Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định những vụ việc con cái đánh đập, hạ sát cha mẹ vì quyền lợi phân chia đất đai xảy ra gần đây là hồi chuông báo động về sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội.
Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ án đau lòng như con trai cầm dao chém cha ruột hay con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ vì chuyện phân chia đất khiến dư luận> xã hội xôn xao.
Trước đó, ngày 25/10/2021, Lê Ngọc Thanh Sang (SN 1995, xã Điện Hồng, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cùng anh chị trong nhà ăn nhậu tại nhà cha mẹ ruột là ông L.V.K. (SN 1957).
Trong lúc ăn nhậu, giữa Sang và cha ruột xảy ra mâu thuẫn vì chuyện phân chia đất đai. Cay cú vì nghe nói cha ruột không chia đất cho mình nên Sang cầm dao chém vào đầu cha ruột khiến nạn nhân bị chấn thương sọ nào, tỷ lệ thương tích lên đến 71%. Lê Ngọc Thanh Sang sau đó bị toà tuyên phạt 15 năm tủ về tội "Giết người".
Vụ việc con gái mang xăng đến đốt nhà mẹ ruột tại Hưng Yên vì mâu thuẫn phân chia đất đai khiến dư luận xã hội xôn xao.
Gần đây nhất, dư luận xôn xao về việc 3 con gái mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên khiến 4 người bị thương và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự tội "Giết người".
Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng 09h30 ngày 30/10/2022, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản, chia quyền thừa kế đất nên 3 con gái của bà Vũ Thị Đ. (SN 1961, ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đã mang theo 01 can xăng loại 10 lít đến nhà mẹ đẻ rồi đổ ra sàn nhà, phóng hoả khiến 4 người bị thương.
Bà Đ. có một mảnh đất ở ngoài mặt đường và đất trong ngõ. Trong đó, suất đất ngoài đường bà Đ. chia cho con trai, còn 3 người con gái mỗi người được một suất đất trong ngõ, các bên đã đồng ý ký vào biên bản với phương án trên.
Tuy nhiên, sau đó 3 người con gái bà Đ. đến nhà mẹ đẻ muốn đòi một suất đất ở ngoài đường. Lúc này, bà Đ. không đồng ý vì đất đã phân chia. Sau đó, 3 người con gái của bà Đ. đã đi mua một can xăng đổ vào nền nhà của mẹ rồi đốt.
Giáo dục kết hợp với răn đe mới có thể ngăn chặn
Trao đổi với Gia đình Việt Nam, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những vụ việc trong thời gian vừa qua thường để lại dư âm rất buồn vì đã cho thấy lòng tham, lợi ích kinh tế, sự đố kỵ nhiều khi đã lấn át, làm mất đi tình cảm gia đình, luân thường đạo lý, làm xói mòn của đạo đức xã hội.
Theo Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhiều người thường đổ lỗi cho giáo dục nhưng cần hiểu rằng thủ phạm gây ra những vụ án đau lòng vừa qua phần lớn đều đã trưởng thành, hoàn toàn nhận thức và phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình.
GS. TS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
"Một người sẵn sàng vì lợi ích vật chất mà sẵn sàng bất chấp luân thường đạo lý mà xuống tay với cha mẹ mình thì không thể chỉ là trách nhiệm giáo dục trong nhà trường. Bởi để một người trưởng thành, cần giáo dục ở 3 môi trường: Giáo dục trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội", GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Do đó, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng để ngăn chặn và giảm thiểu những vụ việc tương tự cần phải có trách nhiệm của toàn thể xã hội. Cần phối hợp giữa giáo dục và răn đe thì sẽ mang lại hiệu quả và tránh được những vụ việc đau lòng. Đặc biệt là vai trò của các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương trong việc nắm bắt, giải quyết và hoá giải những mâu thuẫn trong gia đình.
"Cần phải phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể cơ sở như đoàn thanh niên, hội phụ nữ cũng như chính quyền cơ sở phải có giải pháp ngăn chặn, hoà giải nhằm tránh phát sinh những vụ việc tương tự", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Đặc biệt, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong mỗi gia đình thì ông bà, cha mẹ cần phải gương mẫu, công bằng trong việc cư xử, phân chia tài sản cho con cháu.
"Phần lớn những vụ việc đau lòng thường xuất phát từ những tích tụ, dồn nén phẫn uất do cảm thấy bị ông bà, cha mẹ phân biệt, đối xử không công bằng khiến con cháu có những hành động bất chấp luân thường đạo lý để giải toả những bức xúc trong lòng", Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phân tích.