Mới đây, mạng xã hội rúng động, kinh hãi trước hành động hành hạ, đánh đập con của mẹ ruột dẫn đến tử vong, vụ việc hiện đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Lam Lam (t/h) 18:19 11/12/2022

Theo Báo Thanh Niên, sau khi đón con trai tên K. từ Thái Nguyên về H.Quốc Oai (>Hà Nội) nuôi dưỡng, Thi đã nhiều lần đánh đập khiến K. tử vong vì cho rằng K. không nghe lời, lười học.

Theo điều tra, năm 2011, Nguyễn Thanh Thi và anh Nguyễn Văn Mạnh (quê H.Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) kết hôn và sinh được 2 con chung là N.M.Q (10 tuổi) và N.M.K (6 tuổi). Đến tháng 9.2019, anh Mạnh và Thi ly hôn. Anh Mạnh được quyền nuôi cháu Q., còn Thi được quyền nuôi cháu K. Tuy nhiên, gia đình anh Mạnh không đồng ý việc này nên anh Mạnh đã nuôi cả 2 con.

Đầu năm 2020, Thi đăng ký kết hôn với anh L.Đ.Q (40 tuổi, trú H.Quốc Oai, Hà Nội) và thuê trọ ở thôn Đồng Bụt (xã Ngọc Liệp, H.Quốc Oai). Hai vợ chồng đã có một con chung và Thi đang mang thai tháng thứ 7.  Sau khi kết hôn, Thi tiếp tục gửi đơn đến cơ quan chức năng và giành được quyền nuôi cháu K. từ tháng 8.2022. Đón K. về H.Quốc Oai nuôi dưỡng, Thi nhiều lần đánh đập con vì cho rằng K. không nghe lời, lười học và có hành động tự xé sách vở.

Mẹ ruột đánh con đến tử vong. Ảnh: Thanh Niên

Đầu tháng 12, do bức xúc việc cháu K. nhiều lần đi vệ sinh ra quần, giường ngủ và nền nhà nên Thi dùng một chiếc muôi múc canh dài khoảng 25 cm có sẵn tại nhà trọ đánh 2 lần vào đầu con. Đến khoảng 18 giờ ngày 9.12, Thi phát hiện cháu K. có biểu hiện yếu, toàn thân tím tái nên đã cùng anh Q. đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa H.Quốc Oai nhưng K. không qua khỏi

Trước đó, theo Báo Người Lao Động, dư luận vô cùng xôn xao khi xuất hiện clip người phụ nữ dùng dép, ghế đánh con dã man ngay tại nhà riêng ở quận Phú Nhuận, TP HCM.

Theo nội dung clip, 1 bé gái đang ngồi trên ghế thì bị người phụ nữ được cho là mẹ ruột dùng dép, ghế nhựa đánh tới tấp vào đầu và người. Cô gái không kháng cự, chỉ biết ôm đầu chịu trận.

Trong clip còn xuất hiện 1 cô gái khác đứng ra can ngăn. Clip đăng tải trong thời gian ngắn nhưng thu hút lượng theo dõi "khủng" và mọi người đều lên án hành vi đánh con dã man của người phụ nữ.

Mẹ sử dụng bạo lực để đánh con. Ảnh: Người Lao Động

Theo tìm hiểu, vụ việc xảy ra tại phường 5, quận Phú Nhuận, TP HCM. Được biết, người phụ nữ đánh bé gái là mẹ ruột của cháu. Người phụ nữ khoảng 35 tuổi, còn bé gái đang học lớp 6 ở TP HCM.

Những hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em luôn luôn cần lên án. Là người sinh con ra, tình máu mủ ruột thịt vốn thiêng liêng, cao cả, nó còn khẳng định quyền con được chăm sóc, bảo vệ, đồng thời là trách nhiệm của những bậc cha mẹ, phụ huynh. Dù bất kỳ lý do gì, cha mẹ có những hành vi giáo dục con bằng phương pháp sử dụng bạo lực đều là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em. Người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc.

Quyền hợp pháp của trẻ em trong gia đình

Theo Vụ gia đình, trong Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, có hiệu lực từ ngày 02/9/1990 đã nêu rõ trách nhiệm của các quốc gia, các tổ chức xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng: “Gia đình với tư cách là nhóm xã hội cơ bản và môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của tất cả các thành viên gia đình, đặc biệt là trẻ em cần có sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết”.

Điều 18 của Công ước đã khẳng định, những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là điều quan tâm cơ bản của cha mẹ, hoặc người nuôi dưỡng. Cả cha và mẹ đều có trách nhiệm chung trong việc nuôi dưỡng và phát triển trẻ em, và họ phải là người có trách nhiệm hàng đầu trong việc nuôi dưỡng và phát triển trẻ em, để trẻ em được an toàn và phát triển.

Điều 19 Công ước cũng nêu rõ, các gia đình phải “bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị tổn thương hay bị lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc chăm sóc xao nhãng, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả lạm dụng tình dục, trong khi trẻ em vẫn nằm trong vòng tay chăm sóc của cha hay mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ”.

Điều 4 Luật Trẻ em (2016) của Việt Nam trong những năm qua cũng đã khẳng định: Xâm hại trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm trẻ em.

Theo Pháp luật Việt Nam, trẻ em có các quyền như: Quyền được sống, được bảo vệ tính mạng, được đảm bảo tốt nhất các điều kiện sống và phát triển; Quyền được khai sinh và có quốc tịch; Quyền được chăm sóc >sức khỏe; Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; Quyền được vui chơi >giải trí; Quyền được sống chung với cha mẹ; Quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục; không bị bóc lột sức lao động; không bị bạo lực, v.v..

Đặc trưng cơ bản của trẻ em là sự non nớt cả về thể chất lẫn tinh thần, và phụ thuộc vào trách nhiệm và hành động của người lớn trong quá trình phát triển. Việc làm của người mẹ càng khẳng định mức độ ‘vô nhân tính’ khi đánh đập con nhiều lần, bằng nhiều cách khác nhau, nhất là hành vi quá bạo lực, cần được lên án, răn đe.

Phải thừa nhận rằng sẽ có lúc dù yêu thương con đến mấy chúng ta cũng sẽ nổi giận và thậm chí là không kiểm soát được bản thân mà đánh con. Nhưng chúng ta luôn cần ý thức, bình tĩnh để kiềm chế mình. Chúng ta không nên sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề. 

Khi một đứa trẻ làm sai, dù bị mẹ đánh thì nó luôn nghĩ đến những người thân thiết của mình trước tiên. Tận đáy lòng đứa trẻ luôn mặc định cha mẹ là người mang lại cảm giác an toàn cho mình nên dù có chuyện gì xảy ra thì trẻ vẫn mong muốn có được sự chăm sóc của cha mẹ. 

Giáo sư Glaser, Bệnh viện Great Ormond Street (Anh), từng nhấn mạnh: "Nếu cha mẹ nào nghĩ phạt và la mắng sẽ làm bé ngoan hơn là suy nghĩ nên bỏ hoặc dừng lại. Nó không khác gì tội ác, nhưng lại không có tính răn đe hay giáo dục".

Bằng nhiều cách khác nhau, các ông bố, bà mẹ nên dạy dỗ, nói chuyện với con trẻ bằng giọng điệu hòa bình và suy nghĩ về các vấn đề từ góc độ của trẻ. Bạn có thể áp dụng cách thoát ra khỏi cảm xúc đó, chạy trốn khỏi trẻ chỉ 3 phút, chúng ta sẽ bình tĩnh hơn. Sau 3 phút, bạn sẽ bình tâm trở lại và đóng sập cánh cửa muốn bạo hành lên con.

Việc ôm con vào lòng sau những tức giận, cũng có thể xoa dịu được nhiều điều, nó có ý nghĩa hơn cả lời giảng giải, nói lý khác, nhất là không phải dẫn đến hậu quả thương tâm, đau lòng đến thế này.

Lam Lam (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe