Ngày đưa Hưng tới trường để nhập học cấp một, cô giáo lắc đầu khuyên ông Thực đưa em đến trường khuyết tật. 3 tháng sau, ông nhận được cuộc gọi gặp mặt tâm sự từ cô hiệu trưởng “Em Hưng bị cụt tay nhưng còn hơn mọi người”.
"Lúc Hưng còn trong bụng mẹ nhưng không phát hiện ra cháu bị cụt tay, đến lúc mổ đẻ còn không biết. Các bác sĩ còn bảo cháu còn không sống được, qua 2 tiếng đồng hồ là cháu mất. Nhưng mà về có mất đâu. Siêu âm đầy đủ cả nhưng vẫn không ra, nó muốn làm người thì phải chấp nhận thế thôi".
Tâm sự về người cháu ruột bị khuyết tật hai tay của mình, ông Hoàng Văn Thực (57 tuổi, ngụ tại xóm Bình Minh, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) không thể hiện bất kỳ sự đau đớn hay tủi hờn nào. Bỡi lẽ, Quốc Hưng (học lớp 3B, trường tiểu học số 2 Minh Lập) – người cháu nhỏ dù có khiếm khuyết về hình hài nhưng lại có tinh thần vượt khó mãnh liệt gấp bội luôn khiến ông tự hào mỗi khi kể lại.
Và Quốc Hưng trong câu chuyện của ông Thực ở ngoài đời còn mạnh mẽ, tích cực hơn thế.
Gặp Hưng trong một buổi sinh hoạt tập thể của trường, bóng dáng em loắt choắt nhưng nổi bật nhất trong tất cả các bạn đồng trang lứa khiến ai cũng phải thán phục. Dù bị khuyết tật hai tay, đôi chân cũng không được như mọi người nhưng Hưng không từ chối tham gia các hoạt động học tập đến vui chơi do trường; lớp tổ chức.
Cũng theo cô Phạm Thị Nhất - giáo chủ nhiệm của Hưng, thành tích của em trong học tập vô cùng tốt. Em học đều tất cả các môn và đặc biệt viết chữ rất đẹp. Đối với cậu học sinh bị khuyết tật cả hai tay, việc viết chữ đẹp thứ ba trong lớp chính là một sự kỳ diệu.
Về chuỗi ngày đi học của Hưng, ông Thực không bao giờ quên hình ảnh cô giáo lắc đầu khuyên ông nên đưa cậu bé nhỏ đến trường khuyết tật. Lúc đó ông đã nhất quyết một lời "cô cứ để cháu học ở đây". Trước sự quyết tâm của phụ huynh, cô giáo tiếp tục gợi ý về việc đóng cho Hưng một bộ bàn ghế riêng dành cho trẻ khuyết tật. Lần này ông Thực vẫn một mực chắc nịch: "Cô cứ tin tôi! Hãy để cháu ngồi bàn ghế như những học sinh bình thường".
Sau 3 tháng học tập của Hưng, ông Thực nhận được thông báo gặp mặt từ cô hiệu trưởng. Ban đầu ông lo lắng không rõ đã xảy ra chuyện gì. Sau buổi gặp mặt, nhận được lời khen về Hưng từ cô giáo, ông Thực thật sự vỡ òa: "Tôi vẫn còn nhớ rõ, cô Oanh bảo với tôi rằng "Em Hưng bị khuyết tật nhưng còn hơn mọi người".
Hiện tại, với sự giúp đỡ tận tình từ các giáo viên, bạn bè trường tiểu học số 2 Minh Lập, thành tích học tập của Hưng đã ở mức đáng ngưỡng mộ. Ngồi ngay ngắn như bao bạn bè, Hưng nắn nót viết từng dòng chữ trên trang giấy trắng. Mỗi lần các bạn học sinh lớp khác đi ngang qua, ngó vào lại thì thầm với nhau: "Hưng lớp 3B, bạn ấy viết chữ đẹp lắm…".
Theo chân Quốc Hưng từ trường học về ngôi nhà nhỏ của em tại xóm Bình Minh, bức tranh đẹp về cuộc sống của cậu học sinh nghị lực hoàn toàn khiến tôi ngỡ ngàng.
Bố mẹ đi làm rừng, mẹ em là công nhân may nên cả hai đều thường bận vào ban ngày. Ở nhà với ông bà, Hưng tự học, tự chơi. Dẫu đôi tay chẳng được như mọi người, thế nhưng từ việc xúc cơm, tắm rửa, mặc quần áo, rửa tay nhưng không việc nào em không làm được. Có những việc vệ sinh cá nhân, lấy kem đánh răng em chỉ cần nhờ tới sự trợ giúp nhỏ từ người thân.
Nếu nói về sở thích của Hưng, đây là cậu bé có sở thích đặc biệt: sở thích viết chữ. Cũng nhờ sở thích này, cậu học trò vượt khó ngày ngày cặm cụi kẹp bút vào má, nắn nót từng con chữ sao cho đẹp nhất.
Ngoài ra, cậu học sinh 9 tuổi cũng rất thích đá bóng. Đôi chân lon ton đá bóng trong sân, trên đồi chè là những hình ảnh vợ chồng ông Thực khuôn khắc ghi trong tim và bật cười mỗi khi kể lại. Bà Xuân (57 tuổi, bà nội của Hưng) vui vẻ tâm sự: "Hưng cũng thích đá bóng lắm. Thích xem đá bóng, cháu nhớ hết tên các cầu thủ Việt Nam luôn".
Cũng theo bà Xuân, Hưng là đứa trẻ không chỉ năng động, học giỏi mà em còn nhanh nhạy trong việc sử dụng máy tính. Cũng vì thế, bà luôn nuôi dưỡng hy vọng cho người cháu của mình sau này có thể làm một công việc trên thiết bị này. Từ đó trở thành một người có ích cho xã hội.
Song đối với cậu bé nỗ lực, nhắc tới ước mơ, em chỉ nhớ đến nghề may giống mẹ. "Em cố gắng học thật giỏi, để lên được lớp rồi đến năm 30 tuổi sẽ làm thợ may", Hưng bộc bạch. Lý do về ước mơ của em cũng thật đơn giản: "Vì mẹ em làm nghề may!". Trong tiềm thức của cậu bé, mẹ chính là người tuyệt vời nhất vì là người thương yêu em nhất. Cậu bé hiểu chuyện tâm sự: "Trong nhà em yêu mẹ em nhất vì mẹ đi làm vất vả kiếm tiền và đưa ông tiền cho em đi học".
Chia sẻ về người con này, chị Đỗ Thị Phượng (30 tuổi) rất đỗi tự hào: "Với công việc của mình, mình phải đi sớm về khuya, nhưng nhờ sự giúp đỡ của ông bà; cũng như chính bản thân Hưng vô cùng ngoan ngoãn và nghị lực; nên mình cũng an tâm và rất vui mừng".
Khiếm khuyết về hình hài, song Hưng được lớn lên trong sự bao bọc của ông bà, bố mẹ; sự yêu thương từ bạn bè, thầy cô. Đó đều là những món quà động viên rất lớn đến với cuộc đời của cậu bé nhỏ. Nhưng trên hết, nội lực đầy mạnh mẽ trong em chính là mấu chốt giúp Hưng vượt lên số phận, sống một cuộc đời vô thường. Giờ đây, Hưng không những là tấm gương sáng, mà còn chính là những nguồn năng lượng tích truyền đầy cảm hứng cho cuộc sống này.