Sau tất cả biến cố của cuộc đời bắt đầu từ 2 tờ vé số trúng độc đắc, điều mà người đàn ông này mong muốn nhất lúc này là một cuộc sống bình yên.
Nhắc đến ông Đỗ Hoàng Toàn (67 tuổi), người dân ở phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông cụt tay, sáng sớm chạy bộ chục cây số rồi về nhà ngồi thiền dưới nắng. Căn nhà tạm bợ trong con hẻm đường Bàu Bàng là nơi ông Toàn sinh sống cùng gia đình nhỏ của mình.
Theo thông tin từ Dân Trí, ông Đỗ Hoàng Toàn sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em, sống dựa vào quầy tạp hóa nhỏ bán sách báo, vé số và thuốc lá. Hết cấp 1, ông Toàn quyết định nghỉ học, ở nhà phụ cha mẹ trông coi quầy hàng.
Trước năm 1975, vé số chỉ xổ một lần/tuần, giá trị lại không cao nên cậu bé Toàn thường xin cha giữ lại một vài tờ lấy may. Không ngờ, tháng 9/1970, cậu trúng cùng lúc giải đặc biệt và 2 giải khuyến khích, tổng trị giá lên đến 3 triệu đồng. May mắn chưa dừng lại ở đó, đến đầu tháng 12 năm đó, cậu bé Toàn giữ thêm tờ vé số mang số 40 và bất ngờ trúng giải độc đắc 4 triệu đồng lần nữa.
"Thuở ấy, lương nhà nước chỉ có vài nghìn đồng nên số tiền 7 triệu đồng của tôi là vô cùng lớn, có thể mua được vài căn nhà, vài cái xe hơi… Tôi còn quá bé nên gửi tiền cha mẹ giữ hộ, nhưng là của mình nên chỉ cần hỏi là 2 ông bà đưa lại" - ông Toàn nhớ.
Nhận số tiền lớn, cha mẹ ông Toàn trích hơn 1 triệu đồng để mua mảnh đất và dựng căn nhà rộng hơn 50 mét vuông gồm một trệt, một lầu đúc bằng xi măng, lát gạch bông… được xem là khang trang nhất khu vực.
Số tiền còn lại, Toàn thường xuyên tụ tập đám bạn choai choai của mình tổ chức nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Sau đó, cậu trai còn lên Sài Gòn mua một con xe nhập khẩu từ Nhật, 50 phân khối và độ lên thành 70 phân khối để tổ chức đua xe, tìm cảm giác mạnh.
"Tôi lo lắng, bao hết cho cả đám bạn tiêu xài nên được tâng bốc lên làm đại ca, thích lắm! Thế rồi một lần đang uống cà phê thì có đứa mời tôi điếu thuốc. Tôi thử rồi sau đó mới biết nó có tẩm ma túy và không thể nào dứt ra nữa" - ông Toàn kể.
Năm 20 tuổi, số tiền trúng số ngày ấy đã vơi hết nhưng cơn thèm thuốc ngày càng vật vã hơn. Để có tiền phê pha, Toàn bắt đầu lao vào con đường trộm cướp. Một lần bị công an bắt, cậu thanh niên sa ngã cùng đám bạn phá khóa, vượt ngục. Trên đường chạy trốn, ông bị súng bắn, cánh tay trái nát tươm.
"Lúc tôi về bệnh viện thì vết thương đã hoại tử, phải cắt bỏ tay. Vợ tôi ở nhà hay tin nên dẫn con đi biệt tích, gia đình cũng chán ghét, không ai quan tâm. Tật nguyền, mất cả vợ con, gia đình, tôi càng chìm sâu vào ma túy hơn để quên hết sự đời…"
Một thời gian sau đó, ông Toàn nghiện nặng. Lợi dụng việc mất cánh tay, ông ngày ngày mặc quần áo rách lê la khắp nơi để xin ăn. Cuối buổi, được bao nhiêu gạo xin được, ông lại đem bán cho những tiệm cơm với giá rẻ để có chút tiền "chơi" thuốc.
Năm 1986, ông Toàn nghiện nặng đến mức phải chích 3 cữ/ngày. Mãi đến lúc chứng kiến một người bạn nghiện sốc thuốc qua đời, sau đó thêm người khác lên cơn, sinh ra ảo giác nên đã bơm thẳng nước tương vào mạch máu để tự vẫn, ông Toàn bất giác rùng mình.
"Tôi tìm đến nhà bạn thắp nhang, thấy chiếc quan tài đặt trơ trọi giữa nhà với vài người thân khô héo. Trời ơi, sao cái chết của người nghiện nó đắng, nhục nhã và bi thương đến thế! Lúc đó, tôi nhìn thấy tương lai của mình rồi cũng sẽ vậy nên thực sự rất muốn bỏ thuốc".
Trở về nhà, Toàn quyết tâm cai nghiện, tự nhốt mình trong phòng, chống chọi với những cơn vật vã. Nghe bảo nghiện sợ nước nên mỗi lần lên cơn vật thuốc, cậu trai lại vào nhà tắm xối nước thật mạnh.
Và từ việc lên cơn mỗi ngày, sau một tháng, cơn nghiện giảm rồi dứt hoàn toàn. "Qua hết tháng tôi đã cai được. Nhưng bạn biết đấy, lúc nào bạn bè cũng muốn lôi kéo tôi quay trở lại. Chính quyền không tin còn bắt mình nhốt. Đó là thực tế phải chấp nhận nên tôi càng muốn làm lại cuộc đời".
Trải qua khoảng thời gian tồi tệ nhất của cuộc đời, ông Toàn bắt đầu dần tìm lại niềm vui trong cuộc sống, tu chí làm ăn. Theo thông tin từ Tri thức và Cuộc sống, ban đầu, ông nhận gánh nước thuê cho các hộ dân gần nhà, dành dụm mãi ông mua được chiếc xe ba gác cũ để đi chở bàn ghế thuê cho bà chủ. Lâu dần, ông tự đứng ra để kinh doanh, lấy công làm lời.
Dù biết bản thân mình khiếm khuyết nhưng cũng muốn tìm người bạn đời để tâm sự, năm 1998, ông Toàn mạnh dạn đăng tin lên chương trình "Tìm bạn bốn phương". Sau nhiều cuộc gặp gỡ, ông và bà Lê Thanh Thúy (quê TPHCM) quyết định nên duyên vợ chồng. Hai đứa con 1 trai, 1 gái cũng là minh chứng cho tình cảm của ông bà.
"Tôi đăng tin cả 2 năm mới tìm gặp được bả. Cô thì bị dị tật sứt môi, cũng vì cả 2 có khiếm khuyết nên mới đồng cảm cho nhau. Giờ tôi chở bàn ghế, chén bát cho thuê. Tuy cuộc sống còn vất vả nhưng tôi hài lòng.
Trước đây tôi nghiện ngập làm xấu, không đóng góp được gì cho ai, còn giờ tôi ý thức được rồi. Ngày Rằm tháng Giêng, tôi tới chùa để làm nước mía ép phát miễn phí cho bà con đi chùa. Nhờ vậy, tôi cũng có niềm vui cho bản thân mình, vật chất thì đâu mãi tồn tại được, giờ còn đó chứ mất lúc nào không biết trước. Nên giờ tôi làm được gì cho đời là tôi làm…", ông Toàn trải lòng.
Có lẽ với ông Toàn, sau tất cả biến cố của cuộc đời bắt đầu từ 2 tờ vé số trúng độc đắc, điều mà ông mong muốn nhất lúc này là một cuộc sống bình yên. Sáng sớm chở vợ đi làm rồi chạy bộ hàng chục cây số về nhà, tập ngồi thiền, rèn luyện >sức khỏe để gạt bỏ nỗi ám ảnh nghiện ngập từ quá khứ, sống một cuộc đời mới thiện lành.