Vì một phút thiếu trách nhiệm sau tay lái của bà Nguyễn Thị Nga, cuộc sống gia đình anh Hồ Hữu Định trở nên đảo lộn. Mất mát và nỗi đau đeo bám họ trong từng sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài trời tối đen, Khanh vẫn cố nấn ná thêm từng phút ở nhà ông bà nội để được bên bố lâu hơn. Sau vụ tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh, anh Hồ Hữu Định (42 tuổi) bị chấn thương sọ não và gãy xương nghiêm trọng. Với thương tật tới 87%, anh phải ở nhà để bố mẹ già chăm sóc.
Nhưng anh còn may mắn hơn người vợ của mình, chị Nguyễn Thị Kim Phụng. Toàn bộ dáng hình của chị Phụng giờ đây chỉ còn thu gọn trong tấm ảnh lạnh lẽo trên bàn thờ đặt chính giữa căn nhà thân thuộc.
21/10/2018 là ngày cuối cùng hai bố con anh được nhìn thấy nụ cười của người vợ, người mẹ mà họ gắn bó nửa đời người.
Ngược xuôi tìm mẹ
23h ngày 21/10/2018, từ Gia Lai trở lại Sài Gòn sau đám cưới người thân, vợ chồng anh Định đưa Khanh về căn nhà tại Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức). Họ gửi ôtô trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) rồi lấy xe máy về nhà với con.
Cô gái 16 tuổi chờ mãi, cánh cửa sắt vẫn im lìm. Một tiếng. Hai tiếng. Điện thoại của bố mẹ đều không liên lạc được. Cả đêm đó, bố mẹ em không ai về.
Sớm hôm sau, Khanh đập cửa tìm chị Hồ Thị Thùy Trâm (40 tuổi, hàng xóm) với hàng nước mắt lăn dài trên má, trong tay là bản tin về vụ tài xế lái BMW gây tai nạn ở Hàng Xanh khiến 1 người chết, nhiều người bị thương. Ngay khi thấy chiếc xe máy và biển số xe, chị Trâm biết có chuyện chẳng lành nên vội vàng chở em đi tìm bố mẹ.
Tới bệnh viện Chợ Rẫy, hai cô cháu tìm thấy anh Định (bố Khanh), nhưng hỏi khắp nơi trong bệnh viện không ai biết chị Phụng ở đâu. Họ lại tiếp tục tới hai trụ sở công an phường mà vẫn không có tin tức gì. Cuối cùng, khi đến gặp Công an quận Bình Thạnh, họ nhìn hai cô cháu với ánh mắt ái ngại rồi bảo Khanh đi ra ngoài.
Rời trụ sở, chị Trâm không dám nhìn vào mắt Khanh, sợ rằng ánh mắt thương cảm của mình sẽ làm cô bé gục ngã. Bất ngờ, Khanh níu áo chị, nước mắt giàn giụa, giọng nói xen lẫn tiếng nấc.
"Con biết hết rồi. Con biết mẹ mất rồi. Con coi trong clip thấy mẹ mặc áo trắng, nằm dưới gầm xe BMW đó. Mẹ con mất rồi, mẹ mất rồi...", giọng em nhỏ dần rồi bị nuốt hẳn sau tiếng nấc nghẹn ngào.
16h hôm đó, ông Nguyễn Văn Minh (quê Đồng Nai, bố chị Phụng) mới từ quê lên Sài Gòn để cùng cháu gái đi nhận xác con.
Suốt nửa ngày ngược xuôi tìm mẹ, cô gái tuổi mới lớn đã phải đón nhận mọi thứ một mình.
Cuộc sống xáo trộn
Từ khi thảm kịch xảy ra, cuộc sống của cả đại gia đình vốn yên bình bỗng chốc bị xới tung với nhiều mối lo toan không lường trước.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (30 tuổi, em gái nạn nhân) trở thành người gánh vác trách nhiệm săn sóc Khanh. Để giúp em sớm vượt qua nỗi đau và ổn định cuộc sống, gia đình chị Hiếu quyết định chuyển từ căn hộ ở quận Bình Tân về ngôi nhà anh Định, chị Phụng trên đường Kha Vạn Cân sống cùng cháu gái.
Từ hồi về đây, mỗi ngày, chồng chị Hiếu phải đi làm mất cả giờ đồng hồ thay vì 5 phút như trước bởi nhà cách cơ quan tới 20 km. Có hôm, tận 22h anh mới về nhà ăn cơm với vợ, khi các con đã say giấc.
“Cứ nghĩ cảnh mẹ nó không còn, ba thì bị thương, không ai lo cho cháu là tôi lại thấy xót. Ngoài việc về ở với cháu, tôi không còn biết làm gì cả, cảm thấy rất bế tắc”, chị Hiếu vừa kể vừa tranh thủ dọn dẹp phòng khách để thu xếp một chỗ ngủ nhỏ cho bố mình.
Dù tuổi đã cao, hàng tuần, ông Minh (bố chị Phụng) vẫn đi gần 100 km từ Đồng Nai lên Sài Gòn để thăm cháu gái và làm việc với luật sư về tai nạn của chị Phụng.
Trầm lặng hơn từ ngày vắng mẹ
21h, chị Hiếu thấp thỏm ngồi chờ chồng và cháu gái trên chiếc ghế nệm đối diện cửa ra vào. Chốc chốc nghe tiếng xe máy, chị lại thò đầu ra cửa ngó xem ai về.
Ngày trước, chị Phụng cũng hay ngóng con gái về nhà như vậy. Phòng khách là nơi yêu thích trong nhà của Khanh và mẹ. Hai mẹ con luôn sớm tối có nhau, khúc khích nói cười, cùng ăn tối, xem phim chờ bố về.
Giờ đây, nụ cười của mẹ Phụng chỉ còn nằm trong tấm ảnh thờ đặt ngay đối diện cửa ra vào. Cứ về nhà là cô gái 16 tuổi cúi gằm mặt, ánh mắt hướng xuống đất, đi thẳng lên phòng rồi ở trong đó cả ngày tới tận giờ ăn cơm. Đôi khi còn bỏ bữa.
Khoảng hai tháng nay, Khanh trở nên tươi tỉnh hơn bởi anh Định bắt đầu chậm rãi đi lại được những bước đầu tiên, có thể tự bắt xe về nhà thăm con gái.
“Nhìn thấy bé Khanh dìu ba ra tận đầu ngõ, tiễn ba về là tôi lại thấy thương. Chỉ sau một đêm, cả gia đình đang đầm ấm, hạnh phúc bỗng thành ra như vậy”, chị Trâm (hàng xóm) xót xa.
Dù sống trong cảnh mất mẹ xa cha, Khanh vẫn mạnh mẽ vượt lên những khó khăn và giữ vững thành tích học tập. Tháng 2 vừa rồi, em được vào đội học sinh giỏi môn Sinh học của trường nhờ thành tích xuất sắc.
Tương lai bấp bênh
Sau tai nạn, để lo chi phí chữa chạy, anh Định đã bán cả xe máy và ôtô, chỉ giữ lại căn nhà cho bé Khanh có nơi đi chốn về. Sức khỏe yếu, chưa đi lại được nhiều, công việc kinh doanh cũng từ đấy mà đứt gánh. Anh chưa thể tạo ra thu nhập để tiếp tục nuôi nấng con gái.
Chân chưa khỏi hẳn, phải đi khập khiễng, anh Định đang trong quá trình điều trị máu bầm ở não để mổ chân, may mắn thì có thể hồi phục. Nhưng anh chưa biết xoay xở đâu ra chi phí chữa trị khi khoản tiền từ dành dụm và bán đồ đạc đang cạn kiệt, chưa kể đến tương lai. Cả đại gia đình đang phải sống trong tình cảnh bấp bênh.
Hơn 22h Khanh mới về tới nhà, lặng lẽ đi thẳng lên phòng. Chị Hiếu nhìn theo cháu gái, ánh mắt trùng xuống, thở dài rất khẽ. Chờ cả nhà đi ngủ, chị mới lấy ra cuốn sổ cất trong hộc tủ góc nhà, cặm cụi cộng trừ các khoản thu chi cho tháng tới trong ánh đèn ngủ.
Từ ngày chị Phụng mất, học phí và tiền sinh hoạt của Khanh đều lấy từ tiền mẹ để lại. Khoản tiền ấy cũng cạn dần, cả gia đình lại tiếp tục chuẩn bị tinh thần cho nỗi lo mới về những ngày tháng chi tiêu eo hẹp hơn.
Hàng xóm kể về nữ nạn nhân bị xe BMW tông chết ở Hàng Xanh Nhiều người sống tại hẻm 257 Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TP.HCM) đau buồn trước sự ra đi của chị Nguyễn Thị Kim Phụng sau >tai nạn giao thông ở ngã 4 Hàng Xanh.
Đêm 21/10/2018, chiếc ôtô hiệu BMW chạy trên đường Điện Biên Phủ, hướng quận 3 đi cầu Sài Gòn. Khi đến ngã tư Hàng Xanh, ôtô tông 5 xe máy và một taxi đang lưu thông cùng chiều.
Vụ tai nạn khiến chị Nguyễn Thị Kim Phụng tử vong tại chỗ, nhiều người khác bị thương, trong đó có chồng chị Phụng. CSGT Đội Hàng Xanh (PC08, Công an TP.HCM) đo nồng độ cồn nữ tài xế Nguyễn Thị Nga và cho kết quả 0,94 mg/lít khí thở.
Ngày 17/6, TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) xét xử bà Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ quận 12) về hành vi Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
* Tên con gái nạn nhân đã được thay đổi.