Vùng bụng bỗng nhiên to lên kèm theo tăng cân làm người phụ nữ tưởng mình béo, nhưng đến khi đi khám mới ngỡ ngàng vì phát hiện khối u khổng lồ trong ổ bụng.
Ngày 25/1, BV Chợ Rẫy thông tin, các bác sĩ của đơn vị này mới tiến hành phẫu thuật bóc tách thành công khối u đầu – thân tụy có kích thước lớn cho nữ bệnh nhân B.T.T.X.T. (36 tuổi, ở TP.HCM).
Được biết, cách đây khoảng một năm, chị T. phát hiện vùng bụng phải to dần nhưng ấn không đau, không sốt, kèm tăng cân nên nghĩ mình mập.
Tuy nhiên, chân phải của bệnh nhân có từng đợt sưng phù, đau kéo dài khoảng 2-3 ngày sau đó tự xẹp.
Sau đó, bệnh nhân đã đến BV Chợ Rẫy thăm khám. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện khối u đầu - thân tụy khổng lồ chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, viêm dính làm hẹp nặng tĩnh mạch cửa gây tuần hoàn bàng hệ. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện để phẫu thuật.
Và sau 10 giờ đồng hồ phẫu thuật, các bác sĩ khoa Gan Mật Tụy đã bóc tách thành công khối u có kích thước 20cm, nặng 2,2kg.
TS.BS Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng khoa Gan Mật Tụy, BV Chợ Rẫy chia sẻ, đây là một khối u khó khăn nhất trong tất cả những khối u mà vị chuyên gia này đã gặp, từng phẫu thuật từ trước đến nay. Phẫu thuật cắt khối tá tụy là phẫu thuật tiêu chuẩn và triệt để nhất, thường kéo dài 4 tiếng đồng hồ, những ca khó khăn quá thì 6 tiếng. Riêng trường hợp này kéo dài đến 10 tiếng.
Sau mổ, bệnh nhân đã ổn định >sức khỏe và các bác sĩ gửi mẫu u đi sinh thiết để xác định u lành tính hay ác tính.
U bướu vùng tụy thường khó phát hiện vì hầu như không có triệu chứng, đa phần được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân đi khám sức khỏe hoặc khám các bệnh lý khác.
Đa số u vùng tụy là u ác tính nhưng thường bị chẩn đoán nhầm sang các loại bệnh khác như viêm gan (do có dấu hiệu vàng da), viêm dạ dày (dấu hiệu đau bụng, đau thượng vị), trĩ…
Hầu hết bệnh nhân bị u vùng tụy thường đến bệnh viện trong giai đoạn muộn, khi khối u đã lớn, chèn ép các cơ quan nội tạng.
Trong trường hợp trên, khối u đã xâm lấn rất nhiều mạch máu, nếu để lâu nữa sẽ xâm lấn đến động mạch gan, cuống gan… Mức độ xâm lấn càng nhiều thì khả năng điều trị càng thấp, thậm chí không thể phẫu thuật được.