Trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q. Bình Thạnh, TP.HCM), căn bếp 0 đồng của ngoại My (72 tuổi) chẳng ngày nào không đỏ lửa, nức mùi thơm và ấm tình người.
Ngoại My, cái lưng “cụp” và những ngày Sài Gòn “ốm nặng”
Từ Cần Thơ lên Sài Gòn để chữa “cụp cái lưng”, do phải chữa trị lâu dài nên ngoại My đã quyết định thuê nhà để lui tới bệnh viện cho tiện, cũng từ đó có duyên mà mở một quán bánh xèo nho nhỏ có thêm chút “đồng ra đồng vào” thêm tiền chữa bệnh:
“Ở dưới Cần Thơ, bà làm rẫy làm ruộng, bà lên đây nè, bà trị cái lưng. Quê nhà xách củ sắn lên nặng quá nên nó cụp, cụp cái lưng đi. Tính lên đây trị bệnh, lên người ta nói mổ 70 - 80 triệu...rồi mấy anh cho tiền bà định mổ”
Nhưng rồi cái ý định chữa bệnh ấy ngày một rời xa và được ngoại thay thế bằng một công việc khác. Mục đích ở lại Sài Gòn của ngoại chẳng còn là chữa “cái lưng cụp” mà để lo cho những người lao động nghèo nơi đây một bữa no. 2 năm ròng - từ khi Sài Gòn trong “cơn ốm nặng”, ngoại My đều đặn mỗi ngày đều chuẩn bị những suất cơm giản dị mà ấm lòng:
“2 năm rồi đó. Cái năm mà dịch lớn nhất, dịch phong toả rồi, không còn người đi ra đường á. Nói chung là bà chỉ có 7,8 chục triệu à. Bà với ông nói: "Giờ đồ chay mình có, mình rút hết 80 triệu ra mình cho hết đồ rồi mình về.” Chớ tại thấy nó thê thảm quá con.”
Ngoại nhớ lại câu chuyện buồn xảy ra 2 năm trước, câu chuyện khiến ngoại quyết định dùng tất cả những gì mình có, vươn rộng cánh tay giúp những người lao động nghèo bám víu nơi mảnh đất Sài Gòn này:
“Tụi nó đi cả đoàn hơn chục người, chỉ có 1 - 2 đứa tỉnh chứ còn lại nằm ngả hết trơn. Hỏi nhưng không đứa nào còn sức nói. Cái có một thằng nó khóc lên nói: “Bà ơi, con đói lắm, con lội từ Quận 8 lại đây, con lội hết nổi rồi, con đói lắm. 2,3 ngày nay con đói lắm.”
Sau đó ngoại mới biết đây đều là những thanh niên từ quê lên phố làm phụ hồ được vài tuần rồi bị chủ thầu lừa mất tiền công. Bị chủ trọ đuổi ra ngoài, không nơi ăn chốn ở mới lưu lạc đến đây. Ngoại nấu cháo cho ăn rồi gọi điện cho con trai ở Tây Ninh, hỗ trợ mỗi người 500.000 và liên hệ bộ đội hỗ trợ để đưa những thanh niên này về địa phương.
Ngày cả Sài Gòn phong tỏa, ngoại My vẫn không hay biết mà vẫn bày cơm >từ thiện. Lạ một nỗi đến 10 giờ trưa không thấy ai qua lấy, lúc đó ngoại mới hay chuyện:
“Bà chạy lung tung ngoài đường nói "Ủa gì kì nè, bữa nay cơm không ai lấy". Người ta mới nói "Phong tỏa rồi". Gặp đứa đi ngang bà mới hỏi "Con ơi, con có xài điện thoại không? Nếu có xài điện thoại con quay lên coi, bữa nay bà cho cơm mà không ai lấy hết trơn nè". Nó mới chạy ra ngoài kêu vô lấy phát cho người ta ở vùng đỏ.”
Những ngày sau đó ngoại My vẫn tiếp tục nấu. Ban đầu chỉ 60 suất, lên 80 suất rồi 100 suất cơm mỗi ngày. 80 triệu mà ngoại có chẳng mấy mà tiêu tán. Mặc dù vậy, ngoại vẫn chẳng bỏ Sài Gòn mà trở về. Và cũng chính Sài Gòn cũng cho ngoại thêm sức mạnh, thêm ngọn lửa hồng thổi vào căn bếp:
“100 (suất) là chạy lại này mua gạo chịu rồi đó. Lúc đó, đồ mắc lắm, rau củ mắc nữa. Thành ra 80 triệu nó đâu làm được bao lâu đâu. Bà tính nghỉ nhưng bên chùa Long Vân chở qua một xe đồ. Cái chú Quyền Linh ổng đi ngang, ổng hỏi đi xe du lịch vậy nè thì cho ăn không? Bà mới nói mình cho ở ngoài, ai ăn mà hổng được. Nhưng mà chú Linh xuống đâu phải đi xin, chú chở cho mình một xe đồ, chở gạo nước tương cho mình một xe luôn.
Tới chừng mấy người ở Hoà Hảo nghe bà làm thì chở rau củ. Rồi mấy đứa Đà Lạt nó chở khoai tây về cho bà.” - Cứ vậy, Sài Gòn từng ngày khỏe lại nhờ tình thương, sự hy sinh âm thầm như vậy.
80 triệu vốn là tiền để ngoại My chữa bệnh nhưng toàn bộ ngoại đều để lại cho Sài Gòn. Giờ nhắc đến việc tiếp tục chữa “cái lưng cụp” - mục đích ban đầu khi lên Sài Gòn, ngoại My chỉ cười:
“Trị ở đâu? Lấy tiền nấu cơm từ thiện hết rồi! Không có nhức thì mổ làm chi, bà không có trị. Bà lấy tiền làm từ thiện hết không ai biết hết, chỉ nghĩ bà mổ mà chưa hết thôi. Nhưng may bà cũng không đau, bà nghĩ chắc do bà ngồi thiền, niệm Phật.”g
“Ngộ vậy đó, ngộ mới làm được nghen”
Mỗi tháng 15 triệu tiền thuê nhà, ngày quay ngày vừa chuẩn bị đồ, nấu nướng hàng trăm suất cơm từ thiện vừa làm khoai lang chiên, củ cải, củ sắn, bánh mì, bánh mì bì, bún bì, chả giò... ai đặt gì thì làm nấy đủ thứ cả để trang trải… Ngay cả với người trẻ tuổi, đây không phải chuyện dễ dàng, nhưng ngoại My ở tuổi 72 lại duy trì đều đặn những công việc này suốt 2 năm qua:
“Mấy bữa rằm làm tới sáng luôn. Bữa không có tiền mua, người ta cho đậu bắp già, trái đậu bắp mà cắt ra cả chục ngọn mới ăn được. Ông nói "biết mấy giờ không, 2 giờ rồi" thì bà vào ngủ, ông lại ngồi cắt tiếp. Làm cái này mà không có đam mê là làm không có được, cực lắm. Ở nhà đám giỗ đám cưới với con cháu, nó làm hết chứ bà đâu có cực dữ vậy.
Thật sự bà nói ha, có khi bà thèm sầu riêng quá chịu không nổi mới nói: "Bữa nay mua trái sầu riêng ăn, kệ đi". Tầm 3,4 kg trái nhỏ ông với bà ăn đủ nhưng hỏi nhiêu, nó nói mấy trăm thì thôi bỏ xuống, bữa nào mua nha chứ bữa nay không đủ tiền. Có tiền nhưng hổng dám mua. Ngộ vậy đó, ngộ mới làm được nghen.
Giống như thói quen ông nghĩ tiền của ngoại để làm từ thiện, ăn uống của ngoại với ông thì ông sẽ đưa. Ông biết là bà không dám mua.” - Từng đồng từng đồng nhỏ có trong người, ngoại My đều không nghĩ đến mình mà đều vì căn bếp nhỏ, nơi ngoại vẫn giữ lửa tình thương.
Ở tuổi ngoại My, đáng nhẽ ngoại có thể thảnh thơi nơi quê nhà vui vầy cùng con hiền cháu thảo, sống những ngày an nhàn chẳng cần thức khuya dậy sớm lo đồng rau đồng cà. Thậm chí khi Tết đến xuân về, tiền nhà còn hai tháng chưa có để đóng, thành thử ngoại còn phải tranh thủ gói ngày đêm cả trăm đòn giò thủ, mong bán được để trả tiền thuê nhà, cũng thêm chút ít gửi cho mấy dì mấy anh trong đội từ thiện dằn túi về quê đón Tết.
Vất vả cùng khó khăn là vậy nhưng từng hộp cơm được đưa ra từ trong căn bếp của ngoại chưa từng qua loa. Hộp nào cũng đầy ắp thức ăn nóng hổi, dù chẳng phải cao lương mỹ vị nhưng cũng cho những người lao động nghèo một bữa no ngon miệng:
“Bà làm ở đây cho cũng như bán. Khi bà cho cơm tấm bì là có đồ chua, nước mắm bài bản lắm chứ không phải cho có. Ai ăn cơm là biết cơm bà làm ngon lắm. Gỏi nè, anh Hiển cho ớt chuông nhiều quá, trộn gỏi như ăn tiệc đám cưới, ngon cực kỳ luôn. Người ta ăn người ta còn nói "Trời ơi, đãi bữa ăn giống nhà hàng luôn". Làm có bài bản lắm! Bà làm mấy anh đưa lên tuyên dương tỉnh, nói "Bà làm cơm chay ở đây là ngon tuyệt vời".
Có nhiều ông già lấy nói là "Không phải nghèo khổ gì mà xin cơm mỗi ngày, nhưng mua đồ về cho tụi nó nấu không ngon giống chị”.
Vui lắm, vui với mọi người. Nhất là sáng cho cơm thấy mấy người lại lấy. Người ta đi khám bệnh về còn cơm thì mừng lắm, bữa nào về không được thì dặn chừa cho. Hay là xe ôm á, hay dặn chừa cho, tại đến trễ đâu có. Tại đây bà làm ngon lắm đưa ra là hết rồi, đâu có ế.”
Từng hộp từng hộp cơm bày ra bàn cứ nhanh chóng hết veo ấy là niềm vui của ngoại mỗi ngày. Thậm chí có ngày thiếu cơm, người đến sau không có, ông bà còn sẵn sàng lấy phần ăn của mình dành cho họ rồi “có gì thủng thẳng tính sau”.
Không chỉ là những lời khen, những lời động viên, sau dịch,> căn bếp 0 đồng của ngoại My vẫn đỏ lửa nhờ tình thương của ngoại và cả những người xung quanh. Người cân gạo, người hộp đường, người chai tương, ngày nào đông thì cả chục người, đều đều thì 3 4 người qua phụ… cứ vậy giúp ngoại duy trì căn bếp 0 đồng:
“Bà cũng định năm nay nghỉ à, chứ cũng đâu có tiền làm nữa. Rồi chị Hà lại đây thấy không có tủ, mấy chị mới bỏ tiền ra mua cho làm. Muốn làm món như dưa leo, cà khóm,... thì mấy chị mua hết trơn à, nhiệt tình lắm.
Cũng có người nói mình bao đồng, già rồi không nghỉ đi làm gì nữa nhưng đa số người ta thương, người ta quý bà với ông lắm. Thỉnh thoảng lại có người đến nói “Bà cho con xin đóng góp”, “con có kí gạo”...
Thậm chí có người không có tiền, người ta rửa cái hộp rồi mang lại góp, bảo “hộp này không có ăn”. Mấy chị không nhận, nói mất vệ sinh. Bà mới bảo “Đừng có nói, nhận đi. Bà muốn góp từ thiện mà không có tiền thì mình lấy đi. Rồi nhỡ có việc gì cần thì dùng, đừng nói thế tội nghiệp bà. Bà không có tiền đóng góp, bà có tấm lòng vậy cũng là quý lắm!”
Nghĩ đến một ngày sẽ chẳng còn duy trì căn bếp này nữa, ngoại My thoáng buồn: “Buồn, đương nhiên phải nhớ chứ, làm gì cũng vậy mà. Nói ra người ta bảo mình nói dối chứ sự thật nhiều bữa nói không cho cơm nhưng rồi một hồi cũng làm à. Nhiều khi đi tỉnh về nói mệt quá nghỉ mà hồi lại gọi cho cơm. Mình không báo trước tội nghiệp người ta. Khi nào nghỉ phải báo trước để đặng họ tự lo.”
Giữa Sài Gòn tưởng chừng ai cũng tất bật xô bồ với những nỗi lo cơm áo gạo tiền, vẫn có những con người mang nỗi buồn “ngộ” như vậy, mang cái tính “bao đồng” dễ thương đến thế. Sẵn sàng mang hết tất cả những gì mình có cho Sài Gòn, cho những người xa lạ nơi đây mà gần như chẳng giữ lại gì.