Trong ngày 5/1, hiện trường giải cứu bé trai vẫn đang được đốc thúc, tìm giải pháp cứu bé một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Theo thông tin từ Dân trí, trong sáng và trưa 5/1, anh Thái Văn Tài - cha ruột nạn nhân - đến hiện trường. Anh nhìn thẳng về hướng công trình, nhưng lúc này công trường yên ắng, không nghe tiếng động cơ hoạt động.
Hiện trường chỉ còn lực lượng công an được phép ra vào. An ninh thắt chặt hơn. Phần lớn các bình oxy được vận chuyển ra khỏi khu vực hiện trường.
Chiều muộn ngày 5/1, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, Đồng Tháp nhận được nhiều góp ý trong công tác cứu hộ bé trai. Đến khoảng 14h cùng ngày, đoàn chuyên gia Nhật Bản đến hiện trường, tìm giải pháp đưa thi thể bé trai lên mặt đất.
Trước đó, vào đêm 4/1, các lực lượng cứu hộ làm việc xuyên đêm để thực hiện mũi khoan guồng xoắn xuyên thấu 5m đất cuối cùng. Tuy nhiên, lớp đất này cứng, kết cấu phức tạp nên lực lượng làm nhiệm vụ phải tạm ngưng, hội kiến khẩn cấp với các chuyên gia trong nước và ngoài nước.
Khi chốt được phương án, lực lượng cứu hộ sẽ dùng dây cáp, mắc vào đoạn thứ nhất, đưa đoạn này lên. Đồng thời tiếp cận và mắc cáp vào đoạn thứ 2, đoạn thứ 3, lần lượt dùng cẩu kéo lên. Khi thực hiện các công đoạn này, lực lượng cứu hộ, thi công đảm bảo an toàn, nhất là việc không cho vật thể, đất vùi lắp đoạn 2, đoạn 3 của trụ bê tông.
Cũng theo Báo Phụ Nữ Việt Nam, sau hơn 100 giờ bé trai 10 tuổi bị rơi vào trụ bê tông đã không có phép màu nào xuất hiện với bé. Đến tối 4/1, cơ quan chức năng xác định nạn nhân đã tử vong và đang tìm cách đưa thi thể bé lên để lo hậu sự.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ trên VietNamNet, trước đó, các đơn vị cứu hộ chia thành các nhóm để làm không ngừng nghỉ. Ngoài ra, lực lượng công binh Quân khu 9 cũng chuẩn bị bổ sung thêm thiết bị chuyên dụng cưa cắt…
Tỉnh Đồng Tháp đã tham khảo ý kiến chuyên gia, chuẩn bị phương án dự phòng dùng thiết bị bơm khoan xoáy nước mạnh ở tầng dưới làm rã đất nhanh hơn để rút ngắn thời gian hỗ trợ việc cứu hộ bé trai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chia sẻ thêm: “Công tác cứu hộ sinh mạng của con người là trên hết. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, của tất cả đơn vị cứu hộ. Chúng tôi quyết tâm làm đến khi nào cứu được cháu bé".
“Do đặc điểm phức tạp của địa chất của nơi ống cọc đưa xuống, giờ phải đưa lên trở lại thì rất khó khăn, do đó các chuyên gia đã bàn thảo kỹ lưỡng để tiếp tục triển khai khẩn cấp cứu hộ cho em bé. Hiện chưa rút ống cọc lên mặt đất được", ông Bửu cho biết.
Lý giải về lượng đất đá trong ống cọc, ông Bửu cho biết, do lúc em bé rơi xuống có đất đá rơi theo. Trong quá trình triển khai thi công, đặt ống, búa nén để đặt thiết bị làm đất từ các khớp nối tràn vào chứ không phải đất đá rơi từ miệng ống cọc vào.
Chính quyền địa phương, Hội phụ nữ và các đoàn thể, người thân đã đến an ủi, động viên chị Linh vượt qua nỗi đau trước mắt để tiếp tục đợi con được đưa về nhà. Chị Linh cho biết, lúc hay tin rất đau lòng và mong muốn con mình sớm được đưa về nhà, để gia đình thực hiện an táng.