Đứng lặng lẽ ở một góc sân Hội trường Chi đội Kiểm ngư số 3, gia đình ngư dân Đoàn Văn Chí (trú xã Tam Quang) khóc thút thít khi Chí không nằm trong số những ngư dân may mắn trở về.
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, chiều 20/10, tại cảng Chi đội Kiểm ngư số 3 (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), Quân chủng Hải quân tiến hành bàn giao 78 ngư dân sống sót sau hai vụ lốc xoáy làm chìm tàu ở Trường Sa và 2 thi thể ngư dân bị nạn trên biển cho chính quyền địa phương, thân nhân.
Khi tàu 467 rẽ sóng vào cảng, những ngư dân gặp nạn trở về đổ tràn ra mạng tàu nhìn về phía đất liền, ánh mắt ai cũng trĩu nặng. Ngư dân Trần Văn Vinh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc tàu Qna 90129 chìm.
"Tất cả diễn ra trong tích tắc, sống hay chết là hên xui. Tôi bị kẹt trong cabin, may mắn trồi ra được. Lúc đó mọi thứ rất hỗn loạn", ngư dân Vinh kể.
Sống chết bên lằn ranh, ngư dân Vinh thấy nhiều người kẹt trong cabin không trồi lên được, ông cố gắng cứu nhưng hơi thở đã ngút và tàu chìm hẳn. Với ông Vinh, bản thân ông giữ được mạng sống là kỳ tích.
Ngư dân Dương Quốc Lâm sống sót lúc tàu 90129 chìm, kể ông rất may mắn bởi lúc đó đang cùng một số ngư dân khác ăn mì tôm, nghe tiếng gió rà qua tạo tiếng động lớn, chiếc tàu quay vòng, nghiêng rồi chìm. Nhiều ngư dân đang ngủ không kịp thoát ra ngoài.
"May mắn nữa là lúc thoát ra khỏi tàu thì thấy ba chiếc thúng lật ngửa, chúng tôi thấy có thúng là còn hy vọng sống. Nhất là thuyền trưởng nói đã đàm cho tàu bạn đánh bắt gần kêu cứu và kịp nhắn vị trí tàu", ngư dân Lâm kể.
Tình người giữa biển, lúc lên được thúng, anh em cố cứu nhau, ai cũng uống nước dầu nghẹt nơi cổ, nhưng người tỉnh cố gắng hô hấp cho người yếu, vượt qua phút sinh tử.
Thời khắc ấy, nỗi đau lớn nhất của ngư dân sống sót là lên được thúng nghe anh em kêu cứu, nhưng trời tối đen như mực lại không có dầm chèo thúng đi tìm.
"Kêu cứu, biết đó mà không làm gì được. Phải nói lại anh em bình tĩnh, giữ sức, để rồi chúng tôi tìm cách cho thúng đến gần", ngư dân Dương Quốc Lâm nói.
Dẫn tin từ VTC News, thời khắc con tàu Hải quân cập cảng, những giọt nước mắt đã lăn dài trên đôi gò má sạm đen của các ngư dân, của người thân và cả bà con trong vùng tập trung từ rất sớm để đón những người vừa thoát nạn từ ngoài khơi trở về.
Và trong giây phút các ngư dân trở về trong vòng tay yêu thương của người thân, đã có vô vàn những hình ảnh xúc động. Đó là đôi tay ghì chặt của người vợ ở xã Tam Giang bấu víu lấy tay áo chồng khi ngư dân này vừa bước xuống xe. Đó là những giọt nước mắt lăn dài của cha mẹ, người anh, người chị... đón con, em mình trở về.
Bà Đinh Thị Lệ - mẹ của ngư dân Lê Xuân Phong - thuyền viên hành nghề trên tàu QNa 90927 TS, cho hay, kể từ thời điểm đón nhận hung tin tàu bị chìm, bà thấp thỏm không yên. "Phong đi biển từ năm 18 tuổi. Ở nhà còn có vợ và 2 con nhỏ. Đứa nhỏ nhất nay mới được 10 ngày tuổi. Vì vậy, hôm nghe hung tin, tôi rất sợ các cháu mình sẽ mồ côi, đặc biệt đứa nhỏ còn chưa được gặp mặt cha" - bà Lệ giãi bày và không giấu nổi niềm vui vỡ òa khi chiều nay con trai của mình đã về tới đất liền an toàn, kết thúc hành trình vươn khơi đầy bão táp tai ương.
Đứng lặng lẽ ở một góc sân Hội trường Chi đội Kiểm ngư số 3, gia đình ngư dân Đoàn Văn Chí (trú xã Tam Quang) khóc thút thít khi Chí không nằm trong số những ngư dân may mắn trở về. Tiếng gào khóc: "Chí ơi, sao bà con họ về mà con chẳng thấy, Chí ơi!" khiến nhiều người quặn thắt tâm can.
Khoảng 19h30 ngày 16/10, tàu cá QNa 90129 TS (trên tàu có 54 ngư dân) đang hoạt động ở vùng đảo Trường Sa thì bị lốc xoáy đánh chìm.
Tiếp đến, khoảng 1h ngày 17/10, tàu cá QNa 90927 TS (trên tàu có 39 ngư dân) đang đánh bắt hải sản tại khu vực cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc thì bị sóng đánh chìm.
Trong ngày 17/10, 80 ngư dân hành nghề trên hai tàu cá bị chìm đã được các tàu hoạt động gần đó vớt lên bờ (2 người đã tử vong), còn 13 người mất tích. Trong đó, tàu cá QNa 90129 TS được vớt 42 thuyền viên, 2 người đã tử vong, 12 ngư dân mất tích. Tàu cá QNa 90927 TS có 38 thuyền viên được cứu vớt, 1 ngư dân mất tích.