Nhìn cho kỹ nội dung và bối cảnh gắn liền những loại thư từ, kiểm điểm đó, tôi tự hỏi liệu người ta có thực sự ý thức họ đang làm gì không?
Có phải cô giáo tiểu học bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng vì các em còn ở độ tuổi dễ bị bắt nạt? Còn cô giáo trường trung học Long Thới ra đòn chiến tranh lạnh bằng cách im lặng suốt mấy tháng trời vì với học sinh cấp 3 cô không thể đánh đập nữa?
Còn bao nhiêu vụ bạo hành trẻ em, bao nhiêu vụ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bao nhiêu vụ phạm pháp diễn ra trong học đường nữa chưa tràn lên mặt báo?
Tôi thường dị ứng với lối trình bày những bản kiểm điểm, thư từ lúc nào cũng bắt đầu bằng quốc hiệu và dòng tiêu đề 6 chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.
Nhìn cho kỹ, nội dung và bối cảnh gắn liền những loại thư từ, kiểm điểm đó, tôi tự hỏi liệu người ta có thực sự ý thức họ đang làm gì không?
Ba từ, sáu chữ họ viết ra đó có liên quan gì với với câu chuyện họ đang trần tình? Có lẽ họ chỉ làm theo quán tính hoặc theo “quy định”.
Dường như họ vô minh với tự do, với hạnh phúc.
Cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng vừa viết bản kiểm điểm. Và tất nhiên, mỉa mai thay, cô khởi sự bằng việc viết ra khẩu hiệu chứa đựng những giá trị mà chính cô vi phạm nghiêm trọng.
Tôi muốn nói rằng học sinh cần tự do thoát khỏi những giáo viên như cô, tự do thoát khỏi cô giáo im lặng vô cảm.
Học sinh cần tự do biểu đạt suy nghĩ cũng như cần được giáo dục trở thành con người độc lập và dám chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Giáo viên như các cô cũng cần tự do tìm kiếm một công việc khác.
Nhưng quan trọng hơn, dẫu không phải làm việc với những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ từ 0 đến 16 tuổi, thì mong rằng các cô tôn trọng tự do của cả những sinh vật không phải người.
Viết bản kiểm điểm cũng tốt, nhanh chóng ra khỏi ngành càng tốt.
Nhưng tốt hơn hết có lẽ hãy dành cho mình thời giờ phản tỉnh trong tĩnh lặng. Chọn nghề là một sự tự do. Hãy chọn sao cho đừng phương hại đến tự do của những đứa trẻ.