Đây chỉ là một trong vô số tình huống dở khóc dở cười mà cô giáo này gặp phải khi đi dạy.
Nghề giáo luôn được xã hội xem là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề nhưng bên cạnh đó, đây cũng là ngành nghề có áp lưc cực lớn. Việc phải đối mặt hằng ngày với hàng chục học sinh có nhiều tính cách, tâm lý khác nhau, rồi nào là soạn giáo án, lên lớp, chấm bài, quản lý nề nếp học trò,... đã thách thức lòng yêu nghề của nhiều thầy cô giáo.
Bởi thế, trong suốt những năm đứng trên bục giảng, không ít những tình huống dở khóc, dở cười đã xảy ra khiến những người làm thầy nhớ mãi, dù đôi khi ký ức đó không hẳn là đẹp đẽ.
Cô Lê Thị Nếp, giáo viên trường Tiểu học & THCS Bắc Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã có 24 năm giảng dạy, mà hơn phân nửa số thời gian đó là chủ nhiệm lớp 1. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn vì các em lớp 1 chỉ mới lần đầu làm quen với trường học thế nên vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, thậm chí có em ương ngạnh vì vốn quen với sự chiều chuộng của cha mẹ khi ở nhà.
Trong chương trình Gala Thầy Cô Chúng Ta Đã Thay Đổi - Vì Một Trường Học Hạnh Phúc được phát sóng năm 2018 trên VTV7, cô đã chia sẻ về hành trình gian nan khi đứng lớp của mình trong thời gian dài. Cô cho biết mình đã ốm gần 2 tháng trong lần đầu tiên đi dạy vì các em học sinh quá nhỏ, khối lượng kiến thức truyền tải lại rất nhiều, đặc biệt học sinh của cô có cha mẹ thường đi làm ăn xa và thường giao con cái cho ông bà chăm sóc.
Khó khăn của cô là không biết làm thế nào để tạo sự chú ý với học trò, không biết làm sao để những học sinh nhận thức chậm hiểu được bài và vận dụng được kiến thức. Cô thì gào thét khàn cả cổ, trò thì cứ thản nhiên, vô tư nô đùa khiến tiết học của cô lúc nào cũng căng như dây đàn.
Cô tâm sự về kỷ niệm đáng nhớ nhất sự nghiệp nhà giáo của mình. Trong một tiết học nọ, khi cô vẫn còn là một giáo viên trẻ đang say sưa giảng bài, nhưng bên dưới học trò vẫn mải nói chuyện. Lúc này cô không tiết chế được cảm xúc của mình nên mới cầm cây thước đập thật mạnh xuống bàn và hét lớn. Một học sinh nữ ngồi dưới lườm cô Nếp và nói: "Con điên!"
Tuy nghe thấy học trò nói xấu mình nhưng cô cố tình lờ đi chỗ khác, tuy vậy học trò ngồi cạnh cô bé kia liền dơ tay và mách: "Thưa cô, bạn Mai bảo cô là con điên!" Lúc này, cô rất bực bội như máu dồn lên não, cô liền quay lại hỏi học trò của mình lý do vì sao lại nói như thế. Dù dáng vẻ học trò khá sợ sệt nhưng cũng đáp lại thật tình: "Em thấy môi cô ở bên trong, môi cô ở bên ngoài trông như con điên!"
Cô Nếp không thể nói thêm một lời nào và đi ra ngoài hành lang. Tâm trạng của cô giáo trẻ khi ấy chỉ còn một sự xót xa rằng chẳng lẽ mình lại kinh khủng đến thế trước mặt học sinh. Đó chỉ là cách nhìn nhận và giải thích ngây ngô của đứa bé mới lên 6, còn bên ngoài ai cũng công nhận rằng cô Nếp là một giáo viên có nụ cười tươi, duyên dáng và có gương mặt cực kỳ thiện cảm.
Câu chuyện mà cô tâm sự chỉ là một trong số những điều >dở khóc dở cười mà cô giáo đến từ Thái Bình gặp phải trong suốt ngần ấy năm cầm phấn. Cô từng gặp thêm nhiều áp lực từ cả phía phụ huynh khi từng có người lên tới tận phòng Hiệu trưởng để phản ánh cách dạy học của mình. Cô kể mình từng có ý định chuyển nghề, nhưng đến nay thấm thoát cô đã gắn bó với công việc giáo viên 24 năm.
Cô cho biết, suốt thời gian qua cô từng ngày thay đổi phương pháp giảng dạy của mình, biết hóa giải cơn tức giận, biết quan tâm đến cảm xúc của học trò và xóa đi khoảng cách với học trò mà cô từng nghĩ rằng điều này cần phải có. Cô cho rằng, khi đến với học trò bằng cái tâm của một người thầy thì các em sẽ hạnh phúc khi được mình dìu dắt và dạy dỗ.
Đúng là nghề nào cũng có những khó khăn và áp lực riêng, nghề giáo thì còn như thế gấp nhiều lần. Vì thầy cô ngoài việc truyền đạt kiến thức còn phải là người hướng dẫn kỹ năng sống, định hình nhân cách và phải là một người biết quản lý, gắn kết tập thể. Thế nên, các bạn học sinh ơi, đừng vì đôi ba lần cáu gắt của thầy cô do căng thẳng trong công việc mà nỡ trở thành trò hư nhé!