Theo luật sư, đây là vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nghề giáo. Cô giáo gây ra sự việc có thể phải đối mặt với tội danh hình sự.

23:25 24/11/2018

Liên quan đến vụ việc cô giáo bắt học sinh tát bạn khiến bé lớp 6 nhập viện ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết) đây là vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nghề giáo.

Ngôi trường nơi xảy ra sư việc. Ảnh: IT

Theo vị luật sư này, trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.  Do đó, không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em.

Luật sư Thơm phân tích, theo thông tin ban đầu, xét hành vi của cô giáo, chỉ vì cháu N nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ mà đã bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp vào mặt và bản thân cô giáo cũng tham gia tát thêm một cái cuối cùng.

Đáng lẽ ra, cô giáo như người mẹ phải chỉ bảo, uốn nắn dạy dỗ cháu nhưng đáng tiếc lại sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để giáo dục cháu. Cháu N còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nhưng không vì thế mà tự cho phép mình được dạy bảo bằng hình thức trái pháp luật và trái quy tắc đạo đức nghề giáo viên vốn được xã hội tôn vinh là một trong những nghề cao quý nhất.

Hành vi này không những đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo được xã hội tôn vinh mà còn là hành xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ.

Về hành vi khách quan, việc bắt các cháu học sinh tát cháu N có thể theo cô giáo là cách “dạy bảo” nhưng dưới góc độ pháp lý đã xâm hại đến quyền được pháp luật  bảo vệ về tính mạng, >sức khỏe. Mọi hành vi xâm hại đến tính mạng sức khỏe người khác đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Từ những phân tích trên, luật sư Thơm cho biết, tùy theo tính chất mức độ tổn hại về sức khỏe của cháu N, cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về "Tội cố ý gây thương tích" được quy định tại Điều 134 BLHS 2015.

Cháu N hiện đang rất hoang mang. Ảnh: IT

Nếu tỷ lệ tổn thương sức khỏe của cháu N không đáng kể, cô giáo vẫn có thể phải xem xét trách nhiệm hình sự về "Tội hành hạ người khác" được quy định tại Điều 140 BLHS 2015.

"Tùy theo tính chất mức độ, động cơ, mục đích và sự đánh giá tổn thương về sức khỏe, cũng như danh dự nhân phẩm của cháu N mà cần thiết phải có biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS 2015 là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật. Tội này có mức phạt cao nhất lên đến 3 năm tù", luật sư Thơm nêu quan điểm.

Trước đó, ngày 19.11, cháu Hoàng Long N, học sinh lớp 6.2 trường THCS xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy đã bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp N.

Tổng số học sinh 27 cháu, có 3 cháu quên vở bài tập, phải về nhà nên không tham gia "tát phạt" N. Còn lại mỗi cháu phải tát N đủ 10 cái.

Theo học sinh phản ánh, nếu bạn nào tát nhẹ, người bị phạt sẽ tát ngược lại 10 cái nên N bị tát rất mạnh. Khi bị tát cái cuối cùng, N vừa khóc vừa đau, buột miệng nói tục.

Tổng số N bị tát 231 cái khiến em nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Dinh Mười của huyện Quảng Ninh vào ngày 19.11, trong tình trạng 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. Đến sáng 23.11, cháu đã ra viện nhưng chưa trở lại trường học vì tâm lý không ổn định.

Ngày 24. 11, Phòng Giáo dục huyện Quảng Ninh xác nhận đã yêu cầu lãnh đạo trường THCS Duy Ninh xử lý kỷ luật cô giáo trên. Hiện đơn vị này cũng đã yêu cầu tạm đình chỉ công việc của cô giáo này để chờ xử lý.

Theo Đình Việt/Dân Việt