Nhìn thấy áo quan nơi thi thể con gái đang nằm phủ trắng nilon, người cha ôm mặt khóc nức nở vì thương con.
Đã 10 ngày kể từ khi Phạm Thu Hoà (SN 1995, ở Quảng Trạch, Quảng Bình), tử vong do kiệt sức khi lao động tại Nhật Bản. 10 ngày ấy ông Phạm Văn Phương (bố của Hoà) đứng ngồi không yên.
Khi nghe tin con mất vào ngày 8/4, ông Phương lập tức ra Hà Nội hy vọng bay chuyến sớm nhất sang Nhật đón con về. Nhưng những thủ tục pháp lý khiến ông không thể xuất phát ngay.
Dù vậy, ông Phương không về quê, ông ở lại một nhà người quen ở ngoại thành Hà Nội, từng ngày ngóng tin con qua những người đồng hương từ Nhật Bản. Việc liên lạc với mọi người hầu hết là qua những dòng tin nhắn qua lại trên mạng xã hội facebook.
Ngày 15/4, sau một tuần chờ đợi ông đã xách ba lô quay trở về nhà, vì nơi ấy vợ ông đang vật vạ từng ngày sau khi nhận hung tin con gái qua đời nơi xứ người. “Vợ tôi ở nhà, lúc nào tỉnh dậy là bà ấy lại khóc. Bà khóc vì nhớ con, vì thương con khi mất cũng chẳng có người thân bên cạnh”, ông Phương nói đầy đau xót.
Chính bản thân ông cũng đau đớn lắm, nhưng ông phải cố kìm nén nỗi đau ấy lại, một ngày con gái ông chưa về thì ông vẫn chưa thể yên tâm, ông không thể gục ngã vào lúc này, vì giờ đây ông là chỗ dựa cho cả gia đình.
Ngày 16/4, nhận được dòng tin nhắn từ bên Nhật gửi về thông báo, 14 giờ ngày mai con sẽ được đưa về Việt Nam. Ông Phương nhìn vào dòng tin nhắn đọc đi, đọc lại xem đó có phải là sự thật không.
Khi đầu dây bên kia xác nhận đã lo hết thủ tục pháp lý và chỉ chờ giờ lên máy bay, khi đó ông mới dám tin là sự thật và hối hả cùng anh em họ tộc chuẩn bị hành trang ra Hà Nội đón con gái.
1 giờ sáng mọi người bao gồm các ông bà, chú bác, anh chị em với khoảng 30 người bắt đầu xuất phát từ Quảng Bình. Đến khi trời sáng xe cũng bắt đầu đến địa phận Hà Nội.
Chẳng kịp nghỉ ngơi, chiếc xe với đầy đủ đồ đạc >tâm linh chờ đoàn người đến thẳng kho hàng Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài để chờ đợi đón Hòa. Tại đây, những bịch nước, những ổ bánh mỳ vẫn còn nguyên trên xe, bởi điều mà họ quan tâm nhất lúc đó chính bao giờ Hòa sẽ về đến nơi.
Kim đồng hồ đã chỉ đến 14 giờ, nhưng phía trong chưa hề có thông báo gì, ông Phương và một số người sốt ruột chạy vào trong ga hỏi thì được biết, phải 2 tiếng nữa thi thể Hòa mới có mặt tại Nội Bài.
Đoàn người lại tiếp tục chờ đợi, đã có những tiếng khóc thút thít của những người chị vì thương đứa em gái xấu số thiệt phận. Còn ông Phương, liên tục phải trả lời những cuộc điện thoại từ trong quê gọi ra, ông gạt đi những giọt nước mắt và cố nói với giọng rắn rỏi để mọi người yên tâm.
Sau gần 2 tiếng chờ đợi, chuyến bay đã đáp xuống sân bay, thi thể Hòa đã trở về với quê hương Việt Nam. Những người thân của Hòa ùa ra trước cửa, nhìn thấy chiếc áo quan nơi Hoa đang nằm, họ định chạy thẳng vào đó, nhưng đã bị bảo vệ sân bay ngăn lại.
Bố Hòa cố giữ bình tĩnh, từ từ đi lại gần cửa kho hàng, đứng phía sau mọi người hướng mắt vào bên trong. Thấy chiếc áo quan nơi con gái ông nằm được phủ trắng bằng nilon, ông ôm mặt chạy ra phía sau những chiếc ô tô tải khóc nức nở vì thương con.
Khi chiếc xe kéo lăn bánh chở chiếc áo quan xuất hiện, tất cả mọi người giãn ra 2 bên, chỉ một mình ông Phương chạm tay vào con và đi cùng con suốt một đoạn đường.
Những người thân của Hòa lúc đó, không ai bảo ai họ khóc nhưng cố gắng không để phát ra tiếng. Bởi chỉ cần một tiếng khóc nhỏ có thể “kích động” người cha đang lặng lẽ đi bên con kia sẽ oà khóc và ôm trầm lấy chiếc áo quan mà gọi tên con cho thỏa nỗi lòng.
Khi chiếc áo quan di chuyển đến chiếc xe gia đình đã chuẩn bị trước, ai vào việc đấy, riêng ông Phương phải ở ngoài để mọi thủ tục được tiến hành nhanh chóng.
Khoảng 16h25 phút, chiếc xe do ông Phương dẫn đầu đi trước, theo sau là chiếc xe chở thi thể Hòa lăn bánh, bắt đầu đưa Hòa về đất mẹ Quảng Bình.
Khi về nhà, gia đình sẽ tổ chức tang lễ cho Hòa. 3 ngày nữa Hòa sẽ được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang quê nhà.