Tròn 20 tuổi, Hồng mất hoàn toàn sức khỏe, sự nghiệp và tình yêu. Cô gái trẻ nhiều lần cầu xin mẹ cho được chết. Nhưng mẹ Phương chỉ biết an ủi con đầy chua xót: “Nếu trời cho chết thì đã chết từ mấy năm trước rồi”.
Hồng vốn là một cô gái đẹp. Ở độ tuổi đôi mươi, cô mang niềm hạnh phúc tròn đầy với một mái nhà yên ấm có đủ cả cha và mẹ. Hồng cũng có người yêu. Bạn trai của Hồng lớn hơn cô 3 tuổi. Cả hai người đã hẹn ước sẽ cùng nhau nên duyên vợ chồng khi sự nghiệp của cô ổn định.
Một ngày tháng 4/2011, anh dặn cô ở nhà chờ anh đến thưa chuyện với bố mẹ Hồng cho cả hai được qua lại. Tiếc buổi thực tập, sáng hôm ấy Hồng vẫn đến chỗ làm.
7 giờ kém 10, Hồng vừa lái chiếc xe máy chạy từ nhà đến trạm bơn thì bị một chiếc xe tải đi ngược chiều tông trúng. Cô bắn ra khỏi xe, mặt đập xuống đất. Cú va chạm mạnh khiến Hồng ngất lịm. Đến khi tỉnh dậy, Hồng thấy mình đang nằm trên giường bệnh, xung quanh là dây rợ chằng chịt.
Toàn thân cô be bét máu, gãy 8 cái răng, gãy quai hàm, chẹo đốt sống cổ, liệt tứ chi. Với Hồng, đó là một bản án bất ngờ gieo xuống khiến cô bàng hoàng. Còn mẹ Hồng tức tưởi nhớ lại thời khắc khiến bà như “chết đi sống lại”.
Đó cũng là thời điểm cái tên Ngô Thị Hồng vừa được mọi người biết tới với danh xưng “cô gái vàng karatedo”. Tấm huy chương vàng cuối cùng ấy cũng đã chấm dứt 5 năm duyên nghiệp với karatedo của Hồng.
Hồng không muốn mình trở thành gánh nặng cho bất kỳ ai khi mới ở độ tuổi 27. Nhưng dường như cô không còn sự lựa chọn nào khác.
Mẹ của Hồng vốn là một người phụ nữ đầy đau khổ. Bà đã từng trải qua nỗi đau tận cùng khi 2 lần mất con. Bởi vậy, bà không muốn phải tận mắt chứng kiến nỗi đau này thêm một lần nào nữa.
Bà cứ thế quẩn quanh bên con lau chùi, chăm sóc. Mấy lần, Hồng suýt chết vì mặt úp xuống gối không thể ngóc đầu dậy được. Nếu không có mẹ kịp chạy vào, có lẽ Hồng đã tắc thở. Sợ quá, bà Phương chẳng dám đi đâu. Kể từ ngày Hồng gặp tai nạn, quãng đường đi xa nhất của bà là từ nhà ra đến đầu đường chính.
Nằm lâu trên giường khiến cơ thể Hồng lở loét khó chịu. Nhiều lần Hồng cầu xin mẹ cho được chết đi.
“Thôi mẹ mua thuốc ngủ về hai mẹ con mình cùng chết đi cho xong. Bệnh tật như thế này thì khổ quá”. Nhưng mẹ Hồng không đồng ý.
Rồi Hồng tìm cách nhịn ăn, nhịn uống để chết. Vì thương con, người mẹ lại dốc hết số tiền trong túi nhờ người đến truyền thức ăn vào cho con.
Lần khác, Hồng lại vờ khó chịu ở quai hàm, xin mẹ lấy giúp con dao để ngậm đằng chuôi. Nhân lúc mẹ không để ý, Hồng gập cổ chĩa thằng mũi dao vào ngực. Nhưng lực không đủ, con dao không thể đâm trúng tim Hồng. Bà Phương vội chạy lại rút dao ra khỏi miệng con.
Bà ôm con vào lòng rồi cứ thế khóc. Bà trách ông trời sao nỡ đối xử bất công. Rồi bà chỉ biết an ủi con đầy chua xót: “Nếu trời cho chết thì đã chết từ mấy năm trước rồi. Thôi mẹ con mình cùng cố gắng sống được đến ngày nào thì sống”.
Lúc đó Hồng chỉ nghĩ, gia đình nghèo quá, bố mẹ đã già, bệnh tật lại nặng, thà rằng chết đi cho xong đời.
Nhưng nhìn thấy mẹ khóc, Hồng lại không cho phép bản thân làm vậy nữa. Thế là cô từ bỏ ý định dại dột.
Hồng nói với mẹ: “Giờ con đã thế này rồi, mẹ tha con đi đâu cũng được. Ông trời không cho phép con được chết thì con phải sống. Dù có sống khổ sở nhưng có mẹ con cũng nguôi ngoai phần nào”.
7 năm trôi qua Hồng không còn khóc nhiều như trước. “Khóc thì cũng khóc quá nhiều rồi. Giờ em cũng bất lực vì chẳng thể giúp gì được mẹ lại còn phải để mẹ khổ thêm. Thế nên giờ em không để mẹ phải khóc vì em nữa”.
Cơ thể của Hồng từ vai xuống gót chân đã không còn cảm giác. Hồng bị bại liệt hoàn toàn ngoại trừ cái đầu vẫn có thể điều khiển và miệng vẫn có thể nói.
Còn với mẹ Hồng, bà Nguyễn Thị Phương, 7 năm trôi qua chỉ còn là nỗi ám ảnh bởi những tiếng kêu “tút tút tút” của những máy nhịp tim, nhịp thở. Bất giác nghe thấy tiếng máy ở đâu đó trên TV hay bệnh viện, bà thoáng chốc rùng mình nhớ về quãng thời gian kinh hoàng đã qua.
Bà nhẹ nhàng ngồi bên con, vuốt nhẹ đôi bàn tay đang co quắp lại: “Trời thương cho sống thêm bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Tiền đã cạn, nước mắt cũng đã cạn rồi”.
Còn Hồng không nghĩ gì xa xôi. Cô chỉ nghĩ có lẽ mình sẽ sống nốt phần đời còn lại với chiếc giường, thuốc, xe lăn và nợ nần. Mặc dù cô cũng có chút tủi thân khi mơ về ngôi nhà nhỏ của riêng mình với người mà cô yêu thương, nhưng “người như em làm gì có quyền nghĩ đến tương lai nữa”, Hồng nói.
“Anh ấy thương em lắm nhưng em không thể ích kỷ như thế. Em không thể trở thành gánh nặng cho anh ấy được”. Hồng nhớ về người con trai mình từng yêu bằng giọng run run, nhưng với vẻ mặt bình thản hơn.
Thời điểm Hồng bị tai nạn, anh đã chăm cô suốt 5-6 tháng trời. Những ngày đầu khi Hồng không thể nói, anh mua bảng chữ cái về để cô ghép vần.
Nhưng khi >sức khỏe yếu dần, khả năng hồi phục không cao, Hồng tìm cách né tránh. Mỗi lần anh tới thăm, Hồng vờ ngủ. Khi anh gọi điện, Hồng nhờ bố mẹ nghe hộ. Một thời gian sau, họ cắt đứt liên lạc.
Hồng bảo không muốn nghĩ nhiều nữa. Nghĩ nhiều, khóc nhiều mẹ lại phải lau nước mắt cho. Nên thôi, phải tập quên đi dĩ vãng, sống lạc quan và chấp nhận thực tại.
Quay trở về thực tại, Hồng chỉ mong ước khoa học y tế nước nhà phát triển, Hồng sẽ xin làm người thử nghiệm đầu tiên để phục hồi cơ thể. Dù đó chỉ là 50% sự sống cô vẫn sẽ chấp nhận. Khi ấy, kể cả phải ngồi xe lăn, Hồng cũng sẽ tập karatedo trở lại.
Hồng bảo: "Đôi khi chúng ta sẽ tìm được những điều quý giá ngay trong nỗi cùng cực khổ đau. Cho nên khi còn một cơ hội ở phía trước, tại sao lại phải từ bỏ". Với Hồng, điều quý giá nhất lúc này chính là mẹ.
Mọi đóng góp có thể gửi về:
Gửi trực tiếp: Ông bà Ngô Đức Hiền - Nguyễn Thị Phương (thôn Văn Uyên, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ĐT: 0983.566.542); hoặc gửi về tài khoản: 1291.0000.168640, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh Hoàng Mai, Hà Nội. Chủ tài khoản Nguyễn Thị Phương.