Chồng đã sắp sang tuổi 80, đi còn không vững, trong khi ba con vẫn phải chăm bẵm, bú mớm, khiến cô vợ trẻ ở Hà Nam 'gánh không nổi'.
Những con ngõ sâu hun hút, những hàng cau cao vút trong ngôi làng Ngô Khê (Bình Lục, Hà Nam) mang dáng dấp điển hình của làng quê Bắc Bộ. Cuộc sống vốn yên bình ấy, vào năm 2010 bỗng náo động trước đám cưới của cô gái 27 và ông lão 70 tuổi. Đến nay, chuyện tình "chú - cháu" này vẫn khiến dân làng bàn ra tán vào mỗi khi ngồi lại.
Chiều 25/2, trong khi những nhà khác vẫn còn đâu đó hương vị Tết thì ngôi nhà của ông Ngô Thanh Học tiêu điều như đã lâu lắm rồi không được dọn dẹp. Người đàn ông gần bước sang tuổi 80 ăn mặc đơn giản lom khom ra đón khách.
Chừng vài phút sau, tiếng trẻ con tíu tít đầu ngõ. Vợ ông, chị Nguyễn Thị Bích ẵm đứa con 15 tháng tuổi, theo sau là cặp sinh đôi 5 tuổi đang nô đùa quanh chân. Thằng Tiên xách chiếc bánh chưng lủng lẳng, còn con bé Thu ôm cái bắp cải trước bụng. Chị Bích bảo đó là bữa cơm chiều nay của gia đình, vừa mới xin được từ ngoại.
Nhìn căn nhà bừa bộn khó tìm được chỗ sạch đặt chân, chị Bích chán nản chẳng buồn dọn, ngồi bệt luôn xuống tấm thảm rách bươm cho con bú.
Ông Học kể, thời trai trẻ ông từng tham gia chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, sau đó lang bạt khắp các tỉnh phía Nam. Những năm 1990 ông quay trở về quê nhà và sống trong căn nhà lá lụp xụp cha mẹ để lại. Tuổi đã cao, gia cảnh lại nghèo nên không có người phụ nữ nào ngó đến. Cuộc đời ông cứ lủi thủi như vậy cho tới một ngày tháng 6/2010 thì duyên đến bất ngờ theo cách ông không thể tưởng tượng nổi.
Trong làng có cô gái tên Bích, 27 tuổi nhưng chưa chồng. Chị Bích thấy ông Học sống một mình, hay đau ốm nên thi thoảng tiện đường ghé thăm. Một ngày, sau khi được ông xem tướng, cô gái trẻ chợt nảy ra ý định gắn bó với ông.
"Khi ông ấy xem đường chỉ tay của tôi, bảo là tôi sắp gặp người sẽ gắn bó cả đời, có khả năng cưới trong năm nay. Lúc đó tôi chợt nghĩ tìm ở đâu xa, chi bằng tìm người ngay bên cạnh", vừa dỗ con, chị vừa lý nhí kể.
Sau bữa đó, cô gái trẻ quan tâm hơn tới người đàn ông mình gọi bằng "chú". Có canh cá, món thịt gì ngon là cô nấu thêm phần mang cho ông. Ý định muốn lấy ông Học dần lớn lên, được vài hôm cô chủ động nói ra: "Hay là bác lấy em".
Ông Học ngỡ ngàng. Đến tuổi thất thập ông chẳng còn mong gì một gia đình, có vợ, có con. Nay có người chủ động đề cập, ông còn cầu gì hơn...
Lúc họ nói ý định này ra, cả hai bên gia đình đều phản đối. Mẹ chị Bích kịch liệt ngăn cản, bà không hiểu vì duyên cớ gì con gái lại khăng khăng lấy người đàn ông vừa già, vừa nghèo đó. Ngày ấy Bích làm công nhân may, vốn lành lặn, ưa nhìn, cũng có người theo đuổi. "Do chữ duyên. Muốn tránh cũng không được", chị Bích giải thích đại khái.
Họ đăng ký kết hôn. Đến tháng 8/2010, tức chỉ khoảng một tháng thân thiết, ông Học tổ chức lễ cưới đón chị Bích về chung một nhà. "Tôi chuẩn bị được 20 triệu đồng tổ chức cỗ tại nhà. Khách thì mời chừng 70 người", ông kể thêm.
Vượt qua bao dị nghị, họ ở bên nhau như vậy cho tới năm 2013 chị Bích mang thai và sinh được cặp sinh đôi, một trai, một gái. Hai bé tên Tiên và Thu sinh non nên hay ốm vặt. Suốt những năm các con còn bé, cặp vợ chồng lệch tuổi thường phải ôm con ra bệnh viện huyện, tỉnh, có lần lên một phòng khám trên Phú Xuyên (Hà Nội) chữa trị. Chỉ có túp lều tranh, nên mỗi lần cho con đi viện, họ lại phải vay mượn.
Tới năm 2016, chị Bích lỡ mang bầu lần 2. Gánh nặng cuộc sống đến lần này càng nặng trĩu. Mùa đông năm nay >sức khỏe ông Học giảm sút rõ rệt, ốm đau liên miên, tiền thuốc thang cũng tốn. Trước ông còn đi nhặt được ve chai, nay thì cả gia đình 5 người chỉ còn biết trông chờ vào khoản trợ cấp thương binh của ông là 1,6 triệu/tháng.
Cái Tết vừa qua cũng là cái Tết họ chẳng sắm sửa được gì. Tụi nhỏ mặc lại quần áo từ thiện, kẹo bánh người thân, hàng xóm mang đến. Sống suốt một đời lang bạt đã quen, nay có thêm 3 con nhỏ, ông Học cũng không nghĩ nhiều đến tương lai. "Trời cho mình được như thế nào thì mình sống như thế. Hiện tôi có vợ và 3 đứa con là lộc trời rồi", ông tâm sự.
Ngược lại, sống trong cảnh túng quẫn, suốt ngày lo chăm con, chăm chồng khiến chị Bích chán nản. Chị trải lòng: "Vì tụi nhỏ nên chúng tôi mới cố sống với nhau. Giờ đã vậy, tôi có ước giá không lấy ông ấy, thời gian cũng không quay trở lại".
Chị cũng thừa nhận không lường hết được cuộc sống với chồng quá chênh lệch tuổi. "Nếu lường hết được thì đã không cưới", chị nói mà ánh mắt nặng trĩu. Giờ đây, chị chỉ mong ra Tết con lớn, sức khỏe chồng tốt hơn thì sẽ để ông chăm con, để chị đi làm kiếm thêm thu nhập.
Cuộc sống tạm bợ của gia đình họ như nét vẽ buồn trong ngôi làng trù phú, nhiều nhà cao, cửa rộng này. Một người hàng xóm cho biết: "Nhà họ chẳng mấy khi có một bữa cơm cho ra hồn, toàn có gì ăn nấy. Chỉ tội cho mấy đứa trẻ".
Sống trong cảnh vậy, ba đứa bé vẫn bụ bẫm và hồn nhiên. Nhất là cặp sinh đôi rất thân nhau, cười đùa cả ngày, thích trêu chọc người lạ khi tới nhà. Khi được mừng tuổi, hai anh em bỏ chạy không lấy...