Cách đây 3 năm, Dung bị chính người chồng tưới xăng rồi châm lửa thiêu sống ngày mùng 2 Tết. Trải qua 16 ca phẫu thuật cùng trăm vạn đau đớn, cô gần như chỉ muốn buông xuôi tất cả, nếu như không có 2 cô con gái kề bên. Cách đây vài tháng, Dung nhận được lá thư của chồng gửi về từ trại giam.
Mùng 2 Tết 2016, Nguyễn Thuỳ Dung (SN 1994, Thạch Thất, Hà Nội) đau đớn quằn quại khi bị chính chồng hất xăng vào người rồi châm lửa thiêu sống. 16 ca phẫu thuật cố vớt vát 85% tổn thương cơ thể nhưng không thành. Từ một cô công nhân trẻ trung xinh đẹp, Dung bây giờ chỉ biết đợi chờ một phép màu giúp cô làm lại cuộc đời.
Chúng tôi tìm về nhà Dung trong một con xóm nhỏ ở Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. Mưa lớn rơi xối xả trước mái hiên nhà, 2 cô con gái bé bỏng ngồi đợi mẹ về. Mưa mỗi lúc một to, tiếng xe máy phanh kịt trước cửa, Dung cởi bỏ lớp áo mưa, lũ nhỏ hí hửng chạy ra phụ mẹ đỡ hàng, miệng đòi đòi bánh mì. Dù nắng hay mưa, cô vẫn bịt khẩu trang, mặc áo dài, che gần như toàn bộ khuôn mặt biến dạng méo mó. Vào tới nhà, trút bỏ toàn bộ lớp "mặt nạ" để cố giữ mình với cuộc đời ngoài kia, Dung nhẹ nhàng kể về những đau đớn, tổn thương. Đã 3 năm trôi qua kể từ ngày hoá "ngọn đuốc" sống, Dung thanh thản hơn phần nào.
"Tôi không còn hận chồng, chỉ trách mình đã bước vào hôn nhân quá sớm"
Cuối năm 2015, sau nhiều lần cãi vã, Dung quyết định ly hôn chồng rồi chuyển về sống nhà ngoại. Hôm đấy là ngày mùng 2 Tết nguyên Đán 2016, Nguyễn Văn Thành (SN 1991) - chồng Dung, nhắn tin mong vợ cho 2 con về nội ăn Tết, tiện sẽ nói chuyện hai bên.
Hai vợ chồng dây dưa hết cả buổi chiều. Thành một mực hỏi "Giờ em định thế nào?". Dung chỉ muốn ly hôn, giải thoát cho nhau trước những cay đắng đã phải chịu đựng suốt nhiều năm. Thành vốn ham chơi, không lo lắng làm ăn, lại hay đánh đập vợ. Nghĩ vợ có gian tình với kẻ khác, Thành giật điện thoại của cô, kiểm tra đủ mọi thứ. Cho đến khi Dung dắt xe về nhà, hắn đã nung nấu một chuyện động trời tai hại.
"Anh ấy mang xăng ra, hất thẳng vào người tôi rồi châm lửa đốt. Vì bất ngờ, tôi không tránh được tí nào, đến lúc toàn thân cháy bỏng, tôi ngất lịm đi. Giữa lằn ranh sống-chết, bất giác tỉnh lại, tôi thấy mọi người vây xung quanh, cố gắng lấy kéo cắt bỏ quần áo, rồi đỡ tôi lên taxi đến bệnh viện. Khi ấy, tôi rơi vào hôn mê".
Dung vẫn nghĩ, Thành dùng xăng hãm hại mình chủ yếu để huỷ hoại nhan sắc, chứ không có ý định giết người. Tuy nhiên, 85% thương tích trên khuôn mặt và đôi tay của Dung khiến cô gần như chết hẳn. Người nhà đã xin đưa cô về.
Trải qua cuộc đại phẫu thuật cố gắng cứu người mẹ trẻ, 17 ngày sau, 1% nỗ lực đã có thể giữ Dung ở lại với cuộc đời. Cô bắt đầu hé mắt, hồi tỉnh sau cơn ác mộng ghê gớm nhất cuộc đời. Trong phòng cấp cứu, cô nằm bất động, không thể nói, chỉ cử động được ngón chân.
Một tháng sau, Dung chuyển từ phòng cấp cứu xuống phòng bệnh thường, bắt đầu tập nói và tập đi. Toàn thân băng bó chằng chịt, thậm chí cô không còn tai và mũi. Lần đầu tiên "ngắm" mình, Dung cố mượn chiếc gương nhỏ của một bệnh nhân cùng phòng, dù bác sĩ và người nhà cấm cô không được làm như thế.
Dung không nhận ra mình đằng sau những vết sẹo đáng sợ trên khuôn mặt. Ngoại trừ đôi mắt, các bộ phận khác đều biến đổi một cách kinh khủng, không còn một nét gì của người bình thường. Đau đớn hơn, Thu Uyên và Bảo Anh - 2 cô con gái đáng yêu của Dung, thậm chí đã khóc thét khi đứng trước mẹ chúng. Những vết thương ngoài ra như cắn sâu vào tâm hồn cô một lần nữa. Không còn điều gì bất hạnh hơn, cô gái trẻ bị chính chồng cũ hãm hại, và đến con cái cũng chẳng thể nhận ra.
Khoảng 2 tháng sau, Dung được xuất viện về nhà, Thành trước đó đã bị bắt tạm giam chờ ngày hầu toà. Trong căn nhà nhỏ ẩm thấp ở Thạch Thất, cô tuyệt vọng, không biết rồi cuộc đời sẽ như thế nào. Cô lại lén soi gương, và lần này tự hỏi đến bao giờ gương mặt sẽ trở lại bình thường. Có thể, sẽ là chẳng bao giờ.
"Tôi không còn hận hay ghét chồng, tôi chỉ trách chính bản thân mình đã bước vào cuộc hôn nhân quá sớm và quá ngắn ngủi này".
Dung kết hôn với Thành năm 18 tuổi, độ tuổi quá trẻ để hiểu rằng hạnh phúc hay đau khổ đều xuất phát từ tình yêu. Lúc cưới, ai cũng hy vọng gia đình sẽ thật êm ấm. Nhưng khi mâu thuẫn bắt đầu nổ ra, Dung để mặc Thành điên loạn trong cơn cuồng nộ, còn cô chọn cách im lặng, không phản kháng. Và, một cái kết quá sức tưởng tượng cho cô gái trẻ.
Cuối năm 2016, trong phiên toà xét xử Thành, Dung cũng có mặt. Mức phạt 18 năm tù giam đối với gã chồng ghen tuông, dù về mặt pháp lý là đủ để răn dạy hắn ta. Nhưng cá nhân Dung nức nở, sẽ không có hình phạt nào gọi là đủ để bù đắp cho phần còn lại của cuộc đời cô sau này.
"Tôi không dám đi bước nữa, vì khi họ tới với mình, họ rất thiệt thòi"
Thời gian trôi, đã 3 năm kể từ ngày Dung lên bàn mổ cố vớt vát cứu sống chính mình. 16 ca phẫu thuật liên tiếp với hy vọng tái tạo lại khuôn mặt, những bộ phận cháy sém trên người cô. Khuôn miệng đã có thể mở to, vết thương ở mặt đỡ sần sùi, các ngón tay cử động tốt hơn. Dung chỉ thở một bên mũi, vết sẹo không đau mà chỉ ngứa nhiều, ngứa điên lên cứ phải cào chảy máu, rát hết cả tay.
"Phẫu thuật nhiều quá đến nỗi... tôi sợ. Mỗi lần chỉ mổ một đoạn, không biết đến bao giờ mới có thể hoàn chỉnh. Chi phí mỗi lần là 60 triệu, có khi hơn trăm triệu, tuỳ phương pháp".
Trước đây, Dung làm công nhân may, rồi chuyển sang ngành điện tử ngay gần nhà chồng. Từ ngày gặp nạn, cô đi viện nhiều hơn ở nhà, thể trạng cũng không cho phép cử động mạnh. Cô tìm đến công việc bán hàng gia dụng online, dù chỉ mang tính tạm thời nhưng là duy nhất cô có thể làm được trong hoàn cảnh này. Mỗi ngày, Dung đều chạy xe máy nhập hàng về bán, thường là phanh chân vì tay không đủ lực.
Tuyệt vọng nhiều quá rồi nên cũng... nản, Dung chỉ còn biết nỗ lực để nuôi con, được đến đâu hay đến đấy. Sau 3 năm, thỉnh thoảng cô vẫn mơ ngủ rồi bất chợt tỉnh giấc giữa đêm, khóc một mình. Quanh nhà, những bức ảnh của ngày xưa vẫn chưa thôi ám ảnh. Dung của ngày xưa và của bây giờ, chỉ vì một can xăng mà thay đổi đến đáng sợ.
"Nói chung nỗi đau này tôi phải chịu cả đời. Hàng ngày ra đường đều phải đeo khẩu trang, mặc quần áo dài. Người quen thì không sao, nhưng gặp người lạ, họ chỉ cần nói một câu gì đó thôi, cũng làm tôi buồn. Những lần họp phụ huynh cho 2 con đều nhờ bà ngoại lo toan. Đến trường con, tôi không dám lộ diện. Điều tôi trăn trở nhất là sau này, 2 đứa nhỏ bị trêu chọc chỉ vì mẹ chúng quá xấu xí".
Thời nay, người ta có thể dễ dàng mua xăng hoặc axit dễ như bó rau ngoài chợ. Dùng những thứ này huỷ hoại người khác là tội ác, nó còn thậm tệ hơn việc cứa một nhát dao vào người. 99% là chết, 1% hy vọng của nỗ lực, nghĩ lại thời đó, Dung vẫn còn sợ. Nhưng thực ra, được sống và nuôi con còn tốt hơn là không còn trên cõi đời này nữa.
Ngày xưa, Dung mất một năm để gần gũi 2 cô con gái. Chúng chỉ dám đứng ngoài cửa, không dám vào nhà mặc người thân bảo "Mẹ cháu đó!". Đến lúc tưởng như không thể cứu vãn sự sống, Thu Uyên và Ngọc Anh nhảy vào ôm chầm lấy mẹ.
"Bây giờ các con còn bé, còn ngây thơ, bạn bè chúng cũng chưa biết nhiều. Nhưng sau này lớn lên, tôi sợ 2 đứa bị mặc cảm. Không biết lúc đó tôi có chịu đựng được không. Thà chết đi còn hơn phải chứng kiến con mình chịu đựng như thế".
Dung không nghĩ tìm một người khác để xây dựng lại tổ ấm, dù cô vẫn còn rất trẻ. Nếu thực sự có ai đó đem lòng yêu thương cô và 2 đứa nhỏ, cô cũng không đồng ý, bởi lẽ "Khi họ tới với mình, họ rất thiệt thòi".
Dù khuôn mặt không thể tái tạo hoàn toàn 100%, Dung vẫn nuôi hy vọng mai này được các bác sĩ cứu giúp 60-70%, rồi có một công việc ổn định nuôi 2 con. Không ai có thể giúp đỡ mình mãi được ngoài chính bản thân mình. Còn nếu tìm đến cái chết thì chỉ mang thiệt vào người, cuộc sống còn đó những niềm vui.
"Tôi cũng đã thử đăng ký một số chương trình phẫu thuật miễn phí, nhưng cuối cùng lại không được gọi tên, chắc là do tôi bị nặng quá, không còn khả năng cứu chữa. Dẫu sao thì, được ở nhà chơi với con, chỉ cần mua cho chúng gói bim bim thôi là đã thấy vui rồi".
Lá thư muộn màng của người chồng từ trong trại giam
Cách đây vài tháng, Dung nhận được lá thư của Thành gửi về từ trại giam. Thành viết nhiều, kín gần 2 trang giấy, hứa hẹn đủ điều và mong ước làm lại cuộc đời. Nhưng Dung không nghĩ thế.
Trong thư, Thành viết:
"Dung thân mến!
Đầu thư anh chúc em và hai con luôn luôn mạnh khoẻ, chúc mẹ luôn mạnh khoẻ và làm ăn phát đạt. Dung à, thời gian cũng đã trôi qua gần 3 năm nhưng chưa một lần dám viết thư cho em và hai con gái cả. Anh nhớ em và hai con nhiều lắm. Dù anh có nói một ngàn lần xin lỗi cũng không thể bù đắp lại những gì anh gây ra với em và hai con gái mình. Dù muộn màng đi nữa thì anh vẫn muốn nói lời xin lỗi em và gia đình.
Bản án của anh là 18 năm đi mãi rồi cũng có ngày về nhưng bản án lương tâm thì sẽ rất khó có thể hết được. Anh thật sự muốn em tha thứ cho anh để anh có ý chí cải tạo còn về với hai con gái và gia đình. Cho dù anh và em không còn gì liên quan đến nhau nữa nhưng anh vẫn muốn khi anh được về anh sẽ được chăm sóc cho em và hai con trong cuộc đời này.
Đây là những lời nói thật lòng nhất của anh. Bây giờ em đang làm gì rồi, mẹ vẫn khoẻ chứ? Hai con có ngoan không, Uyên học có giỏi không em? Thỉnh thoảng cho hai con xuống chơi với ông bà nội cho ông bà vui.
Bây giờ anh cũng chỉ mong cả gia đình luôn khoẻ mạnh, các con và các cháu luôn khoẻ thôi. Em ở nhà giữ gìn sức khoẻ và trông hai con lớn khôn là anh vui rồi. Thôi Dung à, để thư sau anh viết dài hơn nhé. Anh chúc mẹ luôn khoẻ mạnh, chúc em mạnh khoẻ và làm ăn phát đạt. Chúc hai con gái của bố luôn luôn mạnh khoẻ, học giỏi và chăm ngoan".
Mỗi ngày, có rất nhiều cô gái như Dung phải chịu đau đớn từ sự hung tàn của chính những người mình từng thương yêu nhất. Chẳng ai ngờ, đau thương chẳng ở đâu xa, lại ngay từ mâu thuẫn gia đình. Hành động nông nổi, mất nhân tính của kẻ thủ ác sẽ có pháp luật xử lý, nhưng những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể nạn nhân, thì chẳng có một bản án nào được xem là thích đáng.
Chia tay chúng tôi, trời vẫn mưa tầm tã, trong căn nhà nhỏ của Dung, tiếng 3 mẹ con cười lảnh lót. 3 năm chưa phải là khoảng thời gian đủ để Dung xoa dịu nỗi đau, nhưng là tiền đề để cô gái trẻ mạnh mẽ bước tiếp và không ngừng khao khát, một ngày nào đó, cô sẽ lấy lại được gương mặt xinh đẹp như trước đây.