Sau khi vào giải quyết nhu cầu trong nhà vệ sinh công cộng, cô gái đeo đầy vàng bỗng xách vali chạy thục mạng để khỏi phải nộp phí vệ sinh cho nhân viên.
Bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1961) làm nhân viên trông coi, dọn dẹp >nhà vệ sinh công cộng tại >bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã nhiều năm.
Bà từng trải qua những câu chuyện dở khóc, dở cười ở nơi này.
Đối tượng khách đi vệ sinh ở đây phần lớn là khách vãng lai, đi xe khách ở các tỉnh, thành về. Chi phí mỗi lần khách giải quyết nhu cầu là 1.000 đồng. Số tiền đó được bà Thủy dùng để mua giấy vệ sinh, dụng cụ và hóa chất tẩy rửa, thông tắc cống.
"Số tiền đó chẳng đáng là bao nhưng cũng thêm thắt phần nào cho việc duy trì nhà vệ sinh được sạch sẽ hơn.
Tuy nhiên nhiều trường hợp khách vào vệ sinh xong không muốn trả tiền. Tôi nhắc nhở, họ còn sửng cồ, định gây sự. Một số khác thì tìm cách trốn vé", bà Thủy chia sẻ.
Bà kể, cách đây 1 tuần, hai cô gái trẻ ăn mặc khá lịch sự, mặt mũi sáng sủa, kéo chiếc vali vào khu vệ sinh. Đặc biệt, một người còn đeo khá nhiều vàng trên người.
Do đông người đi vệ sinh, họ phải xếp hàng, đợi bên ngoài cửa. Bà Thủy còn nhắc khách cẩn trọng với số nữ trang trên người, kẻo bị cướp giật.
10 phút sau, hai cô gái từ nhà vệ sinh ra, đi thẳng, không hề đả động đến việc nộp phí. Bà tưởng họ quên, liền gọi lại đóng tiền.
Một cô đáp giọng xấc xược: "Chưa có tiền lẻ, phải đi đổi. Có mấy đồng lẻ mà lắm chuyện". Cô gái đeo đầy vàng thì xách vội chiếc vali, cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng.
"Thỉnh thoảng với những người không có tiền lẻ, họ nói lịch sự một câu tôi vẫn có thể không thu tiền nhưng hành xử của hai cô gái đó thực sự rất quá đáng", bà Thủy thở dài ngao ngán nói.
Vẫn theo lời bà, 5 năm trở lại đây, nhà vệ sinh bến xe Giáp Bát đã được nâng cấp, cải tạo sạch sẽ hơn rất nhiều. Trước đó, cứ nhắc đến nhà vệ sinh bến xe nhiều người phải hãi hùng.
Để tăng thêm thu nhập, bà mở thêm quầy bán nước, thuốc lá, kẹo cao su phía trước cửa nhà vệ sinh bến xe.
Thỉnh thoảng bà lại chạy vào ngó nghiêng xem họ đã giật nước xả bồn cầu hay chưa. Tiện tay bà dọn dẹp, dội nước cho át mùi xú uế.
Người phụ nữ sinh năm 1961 cho hay, tình trạng nặng mùi hiện đã giảm bớt vì bà thường xuyên tẩy rửa. Một ngày bà phải dọn dẹp trên dưới 8 lần. Công việc dùng hóa chất nhiều như vậy, bà cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
"Lúc cọ rửa, tôi dùng găng tay nhưng dọn nhiều quá, tháo ra tháo vào cũng bất tiện nên đôi khi cứ tay không làm.
Vì vậy tôi bị ngứa ngáy, tróc da, phải chữa bệnh da liễu. Môi trường ô nhiễm, ẩm ướt, tôi cũng không tránh khỏi căn bệnh thấp khớp.
Thời gian mới đi làm, đến bữa tôi không dám ăn cơm vì bị ám ảnh mùi nước thải. Sau đó, tôi cũng quen dần", bà bộc bạch.
Tuy nhiên theo lời bà Thủy, những điều đó chỉ là chuyện nhỏ. Với bà việc khách gặp sự cố khi đi vệ sinh mới là điều đáng lo.
"Khổ nhất là gặp mấy anh say xỉn. Cách đây mấy tháng, tôi được phen tái mặt, phải gọi xe 115 đến cấp cứu cho một người", bà Thủy nhớ lại.
Lần đó, khi trời nhá nhem tối, lượng xe ra vào bến liên tục. Có vị khách nam khoảng 30 tuổi, mặt đỏ tía tai, dáng vẻ khật khưỡng bước vào.
Anh ta vừa vào nhà vệ sinh vài phút, bất ngờ bà Thủy nghe tiếng động lớn phát ra từ nhà vệ sinh nam.
Bà đến và phát hiện toàn bộ tường ngăn nhà vệ sinh (tường ngăn bằng chất liệu gỗ) đã đổ ập xuống đất. Vị khách nằm lăn quay ra đất, bất tỉnh.
Nữ nhân viên trông coi khu vệ sinh vội hô hoán người vào đưa nạn nhân ra ngoài rồi gọi cấp cứu 115 đến.
Sau khi được nhân viên y tế cấp cứu tại chỗ, người đàn ông dần hồi tỉnh. Anh này cho bà Thủy biết, buổi trưa mình tham dự bữa tiệc liên hoan, kỉ niệm ngày họp lớp.
Mặc dù buổi chiều phải lên đường đi công tác nhưng anh vẫn ham vui, uống quá chén. Lúc vào nhà vệ sinh vị khách ói mửa, rồi ngã xuống.
Đồng quan điểm với bà Thủy, chị Hương (SN 1985) công nhân trông coi, dọn dẹp nhà vệ sinh cộng công ở khu vực Hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng chia sẻ: "Ngoài việc một bộ phận người dân thiếu ý thức, đi vệ sinh xả rác bừa bãi, không dội nước, chen lấn xô đẩy khi xếp hàng... việc gây ám ảnh nhất với tôi là gặp những đối tượng say rượu".
Chị cho biết những vị khách đó rất hung hãn, nhân viên có nhắc nhở giữ vệ sinh chung một cách nhẹ nhàng họ cũng sẵn sàng lao vào ẩu đả, văng tục. Nhiều lần chị phải bật khóc tức tưởi vì bị khách xúc phạm, đòi đánh.
Lần đó, chị Hương làm ca đêm. 12 giờ khuya, trời rét căm căm nhưng một cô gái ăn mặc khá kiệm vải, lảo đảo bước vào.
Cô ta ngồi trong nhà vệ sinh khá lâu, nôn ọe. Chị Hương lo lắng, nhiều lần phải gõ cửa, đề phòng có chuyện không hay xảy ra với khách. Vị khách thấy bị làm phiền, liền gắt gỏng, mắng mỏ nữ công nhân vệ sinh.
Đến lúc cô gái mở cửa, chị Hương thấy giấy vệ sinh vứt tứ tung khắp sàn nhà. Các bãi nôn vung vãi, văng cả lên mặt gương. Mùi rượu, mùi thức ăn xộc lên tận óc, khiến chị xây xẩm mặt mày.
Chị góp ý chân thành nhưng liền bị cô gái kia cầm chiếc túi xách, ném thẳng vào mặt.
Vị khách lao đến định túm áo chị Hương, may mắn chị gạt tay, né được. Thấy to tiếng, một người xe ôm vội ra can thiệp, ngăn chặn ẩu đả. Cô gái hùng hổ, tiếp tục lớn tiếng quát mắng chị Hương rồi lên taxi bỏ đi.
Chị Hương tâm sự: "Biết là người ta uống rượu, tinh thần không tỉnh táo nhưng tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng khi nhớ lại chuyện này".