Theo chuyên gia, để có mưa bây giờ vô cùng phức tạp, hơi nước tích tụ lại thành mây, nhưng mây cũng chưa chắc mưa được, phải có động lực chuyển động lên xuống.

Hương Hương (t/h) 22:55 14/04/2024

Theo VTC, liên quan đến vấn đề này, chuyên gia thời tiết khẳng định "đây là chuyện buồn cười, thiếu căn cứ khoa học". Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao vì văn bản của Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp - Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - công nghệ thuộc Liên hiệp các Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ký giới thiệu "người có khả năng >cầu mưa nhưng chưa kiểm chứng" gửi đến Chi cục Thủy lợi TP.HCM.

Bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ khẳng định, bà không tin việc cầu sẽ có mưa. Bà Lan bày tỏ: "Tôi hỏi ngược lại là có ai tin không? Ai tin bây giờ cầu khấn thì sẽ có mưa và không có thiên tai. Có nơi xảy ra lũ lụt, nơi thì nắng nóng, tuyết rơi dày, làm sao có thể cầu khẩn mà được như ý được. Tôi cho rằng người này đang đánh vào tâm lý của mọi người là khao khát cơn mưa để hạ nhiệt khô hạn và nắng nóng. Ông ấy tự cho bản thân có quyền cầu mưa, đấy là chuyện xa xưa rồi, không thể xảy ra trong cuộc sống hiện đại".

Người dân thành phố khao khát một cơn mưa. Ảnh: VTC 

Bà Lan lý giải, mưa là hiện tượng về vật lý khí quyển, phải có đủ những điều kiện liên quan đến hoàn lưu khí quyển, nhiệt khối không khí tích tụ lại mới tạo được mưa.

Để có mưa vô cùng phức tạp, bây giờ hơi nước tích tụ lại thành mây, nhưng mây cũng chưa chắc mưa được, phải có động lực chuyển động lên xuống. Vị chuyên gia nêu thực tế Nam Bộ đang ở cuối mùa khô, rục rịch có thể có mưa, không cầu thì mưa vẫn xảy ra nếu đủ điều kiện.

"Nếu cầu khấn mà thành thật thì trên thế giới đâu có đói nghèo. Đây là câu chuyện rất buồn cười, nó không có thật nhưng lại làm mọi người bị hoang mang, hoàn toàn không có cơ sở khoa học”, bà Lan nhấn mạnh.

Trả lời trên Báo Thanh Niên, ông Hoàng cho hay ông đã đi giúp các tỉnh trong nước mấy chục năm nay rồi. Gần đây nhất năm ngoái ông đã giúp cho một tập đoàn để có đủ nước phát điện, một số tỉnh thành, nhiều lắm.

 

 

TP.HCM đang trong những ngày nhiệt độ cao nhất từ đầu năm đến nay với mức nhiệt gần 40 độ C. Ảnh: Thanh Niên

"Cũng hơn 20 năm nay rồi. Trong miền Nam tôi từng giúp 2 tỉnh. Ngoài Bắc thì tôi giúp mấy chục năm rồi. 

"Tôi vào để giúp cho người dân đỡ vất vả. Tôi chỉ quan tâm đến chuyện làm gì cho bà con bớt khổ. Trước đây, tôi đi cầu mưa, chỗ nào tôi đi cầu cũng được. Trong vòng 4 ngày sau là có mưa", ông Hoàng khẳng định.

"Tôi muốn trình bày với UBND TP.HCM là tiến hành ngay đi không là thiệt hại kinh tế lắm. Nhìn thấy người ta vậy mình khổ tâm quá không ăn không ngủ được, phải vào trong đó để xem tình hình thế nào.

 

"Nói nôm na dễ hiểu là trời ban cho tôi đi đến các tỉnh giúp họ vì họ không biết là xin được trời mà họ cứ làm theo ý họ nên không được. Tôi được trời chỉ cho cụ thể là tôi đến xin cho rồi tôi hướng dẫn cho từ bây giờ thế nào là không bị hạn hán vậy nữa." Mưa không thống nhất là 3 hay 4 ngày, có lúc là vài tiếng sau mưa, cơ bản là lòng khát khao của người dân địa phương ở đấy, càng muốn mưa nhanh bao nhiêu thì mưa càng đến nhanh bấy nhiêu chứ không nhất thiết, Ông Hoàng cho biết thêm.

Nói về lý do được TS Nguyễn Hoàng Điệp ký văn bản "giới thiệu về người có khả năng cầu mưa cho TP.HCM nhưng chưa kiểm chứng", ông Hoàng cho rằng ông chỉ là công dân bình thường, không có tư cách pháp nhân nên cần nhờ đến các đơn vị giới thiệu mình. "Nhiều người muốn làm điều tốt nhưng không đúng pháp luật. Tôi muốn chính thống nên mới xin giấy giới thiệu", ông Hoàng nói và cho biết ông chuẩn bị vào TP.HCM.

 

 

Hương Hương (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe