Theo chuyên gia thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhiễm ấu trùng sán lợn sẽ đặc biệt nguy hiểm do bệnh này đến nay vẫn không có thuốc đặc trị.

13:03 16/03/2019

Như chúng tôi đã đưa tin, thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc nhiều học sinh mầm non phải nhập viện do nghi bị nhiễm >sán lợn. Cụ thể, bếp ăn trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) bị phát hiện dùng thực phẩm bẩn, thịt lợn gạo.

Hiện tại, UBND huyện đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Khương đồng thời yêu cầu các trường học trong huyện đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành (đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường mầm non Thanh Khương thời gian qua) dừng nhập thực phẩm vào bếp ăn bán trú.

Thịt lợn gạo được nghi ngờ sử dụng trong bếp ăn bán trú ở trường mầm non Thanh Khương.

Cũng liên quan đến vụ việc trên, dư luận đặc biệt quan tâm đến mức độ nghiêm trọng của việc nhiễm sán lợn vào cơ thể và lý do vì sao, thịt lợn gạo đã qua chế biến vẫn có thể gây bệnh sán lợn cho người.

Trước những thức mắc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội).

Thịt lợn gạo không đủ khả năng gây bệnh nếu được nấu chín hoặc cấp đông -12 độ C

PGS Nguyễn Duy Thịnh.

Chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh phân tích, thời gian gần đây, báo chí thông tin nhiều về vụ việc trường mầm non Thanh Khương cho học sinh sử dụng thịt lợn gạo. Theo ông, đây là loại thịt đã nhiễm ký sinh trùng. Tuy nhiên, nếu được chế biến ở nhiệt độ cao hoặc cấp đông -12 độ C, ấu trùng sán lợn sẽ chết và không có khả năng gây bệnh.

“Tuy nhiên, không ai đảm bảo được trong quá trình chế biến thức ăn không xảy ra lây nhiễm chéo. Ví như dùng chung dụng cụ nấu nướng đồ sống với chín, tay người nấu ăn không rửa sạch, chậu, bồn rửa rau sống chung với rửa thịt…”.

Học sinh mầm non Thanh Khương dương tính với kết quả xét nghiệm ký sinh trùng.

Theo ông Thịnh, về lý thuyết, thịt lợn nhiễm sán nếu được nấu chín sẽ vô hại. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết người ăn thịt lợn gạo nhiễm sán là do lây nhiễm chéo trong khâu chế biến, bảo quản thực phẩm

PGS Thịnh cho hay giun sán thông thường ký sinh trong đường ruột của gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, một số trứng giun, sán lại chui qua màng ruột động vật, đi vào các thớ thịt, não, gan của chúng… Trong trường hợp dùng thịt lợn gạo tức là sử dụng loại thịt mà ấu trùng đã xâm nhập toàn cơ thể vật nuôi qua đường máu.

Khi chẳng may ăn phải trứng sán dây lợn, chúng rất nhỏ và có thể xuyên qua thành ruột non, đi vào máu và lan khắp toàn bộ cơ thể. Chúng có thể làm tổ ở não, mắt, cơ vân, cơ tim… gây ra nhiều bệnh vô cùng nguy hiểm.

Nhiễm sán lợn phát hiện muộn sẽ vô cùng khó chữa

PGS Duy Thịnh phân tích, ấu trùng sán lợn theo máu đi đến các cơ quan như cơ vân, cơ tim, da, não, mắt… sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.

Nhiều phụ huynh đưa con học ở mầm non Thanh Khương đi xét nghiệm.

Nếu nang sán nằm trong cơ vân sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước bằng hạt đỗ, hạt lạc (đậu phộng), di động dễ, không ngứa, không đau, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.

Theo ông Thịnh, bệnh nguy hiểm nhất khi ấu trùng sán di chuyển đến não và làm tổ tại đây. Khi đó, người bệnh có thể bị nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; liệt nửa người hoặc toàn thân.

Ngoài ra, nang sán có thể di chuyển đến tim gây bệnh nguy hiểm hoặc khu trú ở mắt gây mù lòa.

Trường hợp ấu trùng phát triển thành con sán dây trưởng thành, ký sinh tại ruột non thì khi đốt sán già rụng đi nó có thể bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột. Người bệnh lầm phải tình huống ăn phải đốt sán mới rồi từ đó, số lượng ấu trùng sẽ nhân lên rất lớn.


Sán lợn có khả năng sinh sôi mạnh mẽ trong cơ thể người.

Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50,000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành từ 2 đến 12 mét, có thể ký sinh trong ruột non nhiều năm.

Đáng nói hơn là bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Đến khi bệnh nặng, người bệnh mới có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài.

Theo chuyên gia Thịnh, hiện nay, bệnh sán lợn chưa có thuốc trị đặc hiệu. Nếu người bệnh phát hiện sớm trong giai đoạn sán vẫn còn ký sinh ở đường ruột thì có thể dùng các loại thuốc tẩy giun, sán, loại bỏ chúng khỏi đường ruột.

“Tuy nhiên, đối với trứng sán, dù có dùng thuốc cũng không thể loại bỏ. Hiện nay hầu hết các loại thuốc mới chỉ diệt được sán trưởng thành. Ngoài ra, nếu trứng sán theo máu di chuyển đến các cơ quan thì rất khó chữa vì hiện nay, không có thuốc trị ấu trùng sán đặc hiệu“.

Để tránh nguy cơ nhiễm ấu trùng sán dây lợn, chuyên gia Duy Thịnh khuyến cáo mọi người không ăn các thực phẩm như tiết canh, nem chua, thịt lợn tái, rau sống… Khi sống cùng người nhiễm bệnh phải có biện pháp phòng ngừa, khu toilet phải được thiết kế đảm bảo vệ sinh, tránh lây nhiễm.

Theo Vương Phi/Saostar
Tags