Mới đây, chuyên gia giáo dục Tô Thị Diễm Quyên mới đây đã có những chia sẻ về sự việc nam sinh mất tích và tự tử trên sông Sài Gòn. Theo đó, bà cảm thấy vô cùng xót xa trước sự ra đi của nam thanh niên.
Liên quan đến vụ nam sinh Nguyễn Văn Nghĩa (SN 2003, ngụ tỉnh Bình Định) mất tích và tử vong, theo Tuổi Trẻ, khoảng 4h sáng ngày 13/2, Nghĩa đã đi ra hướng bờ sông, camera khu vực này ghi nhận Nghĩa đã tự tử. Quá trình khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, Nghĩa chết do ngạt nước, trong balô đeo sau lưng có một cục đá 10kg.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, chuyên gia giáo dục Tô Thị Diễm Quyên cho biết, cô có theo dõi sự việc và cảm rất xót xa khi nam sinh đã tự tử ở độ tuổi vừa mới bước vào cuộc đời. Bên cạnh đó, cô cũng mong mọi người hãy nhân văn hơn, đừng "xát muối" thêm vào nỗi đau của gia đình em.
"Đúng là thế hệ của tôi sẽ rất khác biệt so với thế hệ của em. Thời của chúng tôi, internet vẫn chưa được phổ biến, chúng tôi tiếp xúc với thông tin hạn chế hơn. Các em hiện nay có mạng xã hội, lĩnh hội nhiều cái mới, cái hay nhưng song hành với đó là những điều tiêu cực. Các em phải loay hoay chọn lọc thông tin và cách giải quyết vấn đề của chính mình.
Từ hình ảnh tìm người thân mất tích, tôi thấy Nghĩa là một bạn có dung mạo rất hiền lành. Đồng thời, điểm số tại trường của bạn cũng rất cao. Mất đi Nghĩa, gia đình hiện đang có rất nhiều nỗi xót xa vô tận. Với cương vị là một người làm giáo dục, tôi thật sự thấy buồn khi mọi người vẫn chia sẻ hình ảnh không làm mờ của em trên mạng xã hội. Nếu người thân Nghĩa nhìn thấy, điều đó không phải là rất đau lòng sao? Tôi mong chúng ta hãy nhân văn hơn, đừng xát muối lên nỗi đau của gia đình em" - chuyên gia cho hay.
Bên cạnh đó, bà Diễm Quyên cũng cho rằng cộng đồng mạng cần kiểm soát lời nói của mình trên mạng xã hội để tránh gây tổn thương hoặc tạo áp lực cho người khác.
Trước đó, cha nạn nhân cho biết ông cũng không thể giải thích được tại sao con trai lại tự tử như kết luận của cơ quan công an. Tính đến hiện tại, nguyên nhân Nghĩa tự tử vẫn đang được tìm hiểu. Nêu quan điểm về việc này, nữ chuyên gia cho biết, đối với những người trẻ, đặc biệt là người hướng nội sẽ rất khó nhận biết các em đang gặp vấn đề gì cần giải tỏa.
"Đối với những người hướng ngoại, việc họ có những áp lực, khúc mắt trong cuộc sống rất dễ nhận biết. Tuy nhiên, đối với những người hướng nội, đó lại là một câu chuyện khác. Có thể bình thường, các em cười nói, vui vẻ với mọi người, sinh hoạt như chẳng có gì xảy ra nhưng nội tại bên trong rất ngổn ngang. Và, mọi người sẽ rất khó nhận biết được em ấy đang có vấn đề cần giải tỏa" - bà Quyên chia sẻ.
Ngay từ khi bắt đầu làm cha mẹ, ai cũng cần trang bị một số kĩ năng cần thiết. Ví dụ, với tình huống khó khăn, cha mẹ cần tham luận ý kiến con, gợi mở cho chúng hướng giải quyết. Câu chuyện của Nghĩa đã gióng lên hồi chuông về tự tử ở người trẻ tuổi.
"Tôi từng rất tâm đắc ngạn ngữ: Cần một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Tức, trách nhiệm giáo dục con người không chỉ riêng của cha mẹ mà còn nằm ở cộng đồng, xã hội. Chúng ta, những người lớn không nên để các con một mình, loay hoay với những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai.
Ai cũng phải có trách nhiệm giang tay đón lấy, xoa dịu nỗi đau của các con. Đặc biệt, bạn bè cũng là kênh quan trọng" - bà Quyên nói thêm.