Người dân TP.HCM liên tục trải qua chuỗi ngày có mức nhiệt cao nhất trên 35 độ C - ngưỡng nắng nóng, theo phân loại của cơ quan khí tượng.
Theo báo VnExpress đưa tin, từ cuối tháng 3 đến nay, TP HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung đối diện đợt nắng nóng khắc nghiệt. Người dân liên tục trải qua chuỗi ngày có mức nhiệt cao nhất trên 35 độ C - ngưỡng nắng nóng, theo phân loại của cơ quan khí tượng. Thực tế, nhiệt độ cảm nhận ngoài trời có thể cao hơn 3-5 độ C.
Phân tích của VnExpress từ dữ liệu nhiệt độ hàng ngày trong khoảng 30 năm qua tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, chuỗi ngày nắng nóng kéo dài đã phá vỡ nhiều đỉnh lịch sử.
Từ đầu năm đến nay, TP HCM ghi nhận 74 ngày nắng nóng, mức kỷ lục trong gần 30 năm qua, theo dữ liệu của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ. Tức là, bình quân 3 ngày có 2 ngày nhiệt độ TP HCM trên 35 độ C. Tần suất nắng nóng này cao gấp đôi mức trung bình của thành phố ba thập niên qua (33 ngày).
Trong 4 tháng, người dân TP HCM hứng chịu giai đoạn nắng gay gắt. Số đợt nắng nóng - nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C từ hai ngày liên tiếp trở lên - tương đồng với các năm El Nino trước. Nhưng mỗi đợt trở nên dài hơn, trong đó, đợt nắng từ 29/3 tới nay kéo dài 28 ngày liên tục và chưa kết thúc, cũng là mức kỷ lục từ 1997 tới nay.
Nhiệt độ leo thang từ đầu năm. Mức nhiệt cao nhất được ghi nhận là 39 độ C, gần chạm ngưỡng lịch sử 39,6 độ C (năm 1998).
Trả lời VTC News, ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, so với tháng 2 của năm 2016, 2020, thì tháng 2/2024 cường độ nắng nóng có phần gay gắt hơn.
Nhiệt độ cao nhất ghi nhận trong tháng 2/2016 và 2020 là 37 độ C tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), năm nay nhiệt độ cao nhất tính đến hiện tại là 38 độ C (tại TP Biên Hòa vào ngày 15/2).
“Dự báo năm 2024 nắng nóng diễn ra gay gắt, sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày liên tục, tập trung trong tháng 3 và tháng 4. Nắng nóng xảy ra diện rộng với cả khu vực Nam Bộ”, ông Quyết nói.
Theo ông Quyết, nguyên nhân nắng nóng kéo dài ở TP.HCM và khu vực Nam Bộ sau Tết Giáp Thìn chủ yếu do hệ thống thời tiết trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ hoạt động mạnh chi phối chính đến thời tiết khu vực Nam Bộ.
"Đây là trường phân kỳ nên làm hạn chế bốc hơi nước, không khí bị khô, độ ẩm không khí thấp, khó đạt điều kiện hình thành mây nên bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp xuống, làm cho nhiệt tăng cao.
Hàng năm, thời điểm những ngày đầu tháng 2, không khí lạnh còn hoạt động khá mạnh nên khuếch tán sâu xuống phía Nam làm cho nhiệt giảm. Tuy nhiên, thời điểm những ngày vừa qua, áp cao lạnh lục địa phần lớn di chuyển lệch về phía Đông, không lấn sâu xuống phía Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống thời tiết tác động chủ yếu là áp cao cận nhiệt đới trên tầng cao”, ông Quyết nói.
Nguyên nhân chính khiến số ngày nắng nóng tại nhiều địa phương phía Nam vượt mốc lịch sử là do hiện tượng El Nino, theo ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo khí tượng, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), xét trong 10 năm, cường độ El Nino - chênh lệch nhiệt độ bề mặt nước biển trung tâm Thái Bình Dương so với mức trung bình - mạnh nhất năm 2023-2024 là 2 độ C, thấp hơn năm 2015-2016 (2,6 độ C), và cao hơn năm 2019-2020 (0,8 độ C). Tức là, 2024 không phải năm El Nino hoạt động mạnh nhất.
Tuy vậy, số ngày nắng nóng vẫn cao kỷ lục ở nhiều nơi. Ông Quyết phân tích, tác động của El Nino không tương quan hoàn toàn với cường độ nắng nóng. Trưởng phòng dự báo khí tượng Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ cho biết, nắng nóng sẽ kéo dài đến hết tháng 4. Sang tháng 5, những cơn mưa chuyển mùa đầu tiên ở Nam Bộ có thể xuất hiện.
Dù vậy, ông Quyết dự báo nắng nóng vẫn tiếp tục trong giai đoạn đầu mùa mưa. Nhiệt độ cao nhất trong ngày thường rơi vào khung 13-15h, vẫn có thể duy trì trên 35 độ C. Trong khi, mưa thường xuất hiện vào chiều tối.
El Nino được dự báo kết thúc trong năm nay, tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng cường độ nắng nóng tại Nam Bộ chưa chắc đã giảm trong mùa khô những năm tới. Bởi, biến động về khí hậu hiện nay ngày càng bất thường, dễ phá vỡ các quy luật cũ, đồng nghĩa với việc dự báo cũng khó khăn hơn.