Chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) nói gì về việc từ chối giải hạn cho người "thiếu lễ" 50 nghìn đồng? Mỗi năm, ngôi chùa này thu bao nhiêu tiền dâng sao giải hạn của phật tử và khách thập phương? Số tiền này được kiểm đếm, quản lý và sử dụng như thế nào? Lần đầu tiên đại diện chùa Phúc Khánh lên tiếng trả lời tất cả những câu hỏi trên - trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Báo Lao Động chiều 18.2.
Trước đó 1 ngày, khi bài viết "Bị từ chối giải hạn vì "thiếu lễ" 50 nghìn đồng" vẫn đang nóng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, một người nhận là đại diện của chùa Phúc Khánh liên hệ đến Báo Lao Động bày tỏ nguyện vọng của nhà chùa mong muốn được "giãi bày, chia sẻ" để dư luận hiểu hơn về sự việc vừa qua.
"Sau một bài báo của Lao Động, chúng tôi không thể im lặng được nữa" - người này nói.
Chiều 18.2, trong một căn phòng trên gác 2 của chùa, cuộc phỏng vấn diễn ra, nhưng trước mặt chúng tôi không phải là thượng tọa Thích Thanh Quyết - trụ trì của chùa Phúc Khánh đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
"Cụ (thầy Thích Thanh Quyết - PV) bận lắm, còn phụ trách chùa Yên Tử (Quảng Ninh), Non Nước (Hà Nội) và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nên một năm chỉ về chùa vài lần" - đại đức Thích Minh Đức, người phụ trách toàn bộ công việc tại chùa Phúc Khánh cho biết.
Khác với hình ảnh khi xuất hiện trước hàng ngàn phật tử, sư thầy Thích Minh Đức cho hay lần đầu trả lời báo chí về câu chuyện thu phí >dâng sao giải hạn nên ông khá run và cần thời gian chuẩn bị trước khi trả lời mỗi câu hỏi. Nhiều thời điểm, cuộc phỏng vấn bị gián đoạn để sư thầy uống trà, suy nghĩ...
PV: Cảm nhận sư thầy khi đọc bài báo về vụ bị từ chối giải hạn vì "thiếu lễ" 50 nghìn đồng diễn ra tại chùa Phúc Khánh mới đây?
Thầy Thích Minh Đức: Trước hết, nhà chùa rất cảm ơn những vấn đề mà báo Lao Động nêu trong những bài báo gần đây. Rất đáng tiếc khi sự việc trên đã xảy ra tại chùa.
Chùa Phúc Khánh không có quy định nào về việc thiếu tiền thì không được làm lễ giải hạn.Tuy nhiên phật tử thu tiền hộ nhà chùa đã áp dụng cứng nhắc quy định thu phí, trong khi đó nhà chùa thì bận rộn, không thể quán xuyến hết.
Tôi cũng xem đó như là một sự chia sẻ đối với tất cả các phật tử.
Tức là nếu ai đó không có đủ 150 nghìn đồng để đóng thì nhà chùa vẫn sẽ làm lễ giải hạn giúp?
- Đúng như vậy, nếu người dân không có tiền mà muốn dâng sao giải hạn, đến đăng ký tại chùa, nhà chùa vẫn sẽ làm lễ giúp.
Thưa sư thầy, việc thu tiền làm lễ giải hạn tại chùa diễn ra từ khi nào? Cơ sở nào cho mức phí 150 nghìn đồng?
- Việc thu tiền lễ dâng sao giải hạn có từ hàng chục năm nay và tôi là người kế tục toàn bộ các công việc của các vị tiền tổ để lại.
150 nghìn đồng là tiền phục vụ, giấy sớ, dầu đèn cho phật tử trong 12 tháng trong một năm. 150 nghìn chia cho 12 tháng, có năm có cả những tháng nhuận. Tính ra như vậy là cũng rất "hạ" rồi.
Số lượng người đăng ký giải hạn tại chùa trong một năm là bao nhiêu, thưa sư thầy?
- Số lượng người đăng ký dâng sao giải hạn mỗi năm do bộ phận chấp tác của chùa thống kê, kiểm đếm. Bản thân tôi cũng không nắm rõ số lượng là bao nhiêu.
Số tiền đó được kiểm đếm và quản lý như thế nào?
- Nhà chùa sẽ nhờ các phật tử chấp pháp thu hộ, sau đó nội bộ nhà chùa sẽ tự kiểm đếm và quản lý.
Đại diện Giáo hội Phật giáo và Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định việc thu tiền dâng sao giải hạn là đi ngược lại với giáo lý đạo Phật và chủ trương của Giáo hội, quan điểm của chùa Phúc Khánh như thế nào?
- Cầu an dâng sao là tín ngưỡng dân gian từ hàng ngàn năm nay. Nếu nhà chùa để cho người dân tự nguyện đóng góp thì sẽ rất lộn xộn, không công bằng cho các phật tử.
Năm tới, nhà chùa vẫn sẽ tiếp tục thu phí 150 nghìn đồng/lượt giải hạn?
- Nhiệm vụ chính của nhà chùa là làm tốt các công việc phật sự. Bên cạnh đó, người dân có niềm tin vào tín ngưỡng dân gian thì chúng tôi đáp ứng nguyện vọng của phật tử để người dân được thể hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình theo pháp luật quy định.