Chiều tối 26/9, trời Hà Nội mưa tầm tã, hàng nghìn người vẫn lặng lẽ xếp hàng chờ vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Cùng thời gian, lễ viếng Chủ tịch nước cũng tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), tại quê nhà Chủ tịch nước tại xã Quang Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình và Đại sứ quán Việt Nam ở các nước.
Niềm tiếc thương vô hạn
Từ 7h sáng, Lễ Quốc tang tưởng niệm >Chủ tịch nước Trần Đại Quang được cử hành trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia. Đọc diễn văn tại Lễ tang, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh những đóng góp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang: “Hơn 46 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến trọn đời, có nhiều đóng góp với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc... Đồng chí mất đi là tổn thất lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”.
Ghi sổ tang sau khi dẫn đầu Đoàn BCH T.Ư Đảng vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang... Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi trong sổ tang: “Trong hơn 40 năm công tác, Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn tận tụy, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn, không gì có thể bù đắp được đối với gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và người thân”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ trong sổ tang: “Sự đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, hết lòng vì nhân dân của đồng chí sẽ mãi mãi được ghi nhớ. Xin vĩnh biệt đồng chí. Ngàn thu yên giấc nơi cõi vĩnh hằng”.
Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh viết vào sổ tang đã dành cho Chủ tịch nước tình cảm sâu lắng, xúc động: “Mấy ngày qua, cơ quan luôn trong không khí buồn rười rượi vì sẽ vĩnh viễn thiếu vắng Anh, và không thể tin Anh đã ra đi mãi mãi, ra đi thật sự rồi. Phòng ăn trưa hàng ngày Anh vẫn ngồi ăn, anh chị em vẫn chuẩn bị tươm tất bữa ăn nhưng vẫn còn nguyên vẹn, cùng với những nén nhang thơm nhưng thấy xé lòng Anh ạ. Kính chúc Anh một giấc ngủ bình an cõi vĩnh hằng!”.
“Gần gũi trong cuộc sống, nghiêm khắc trong công việc”
Sau khi vào viếng, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chia sẻ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại trong lòng tất cả mọi người sự mến thương bởi tấm lòng và sự nhân ái, luôn cống hiến hết mình vì đất nước, vì nhân dân. “Đối với cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ tịch nước luôn quan tâm và thực hiện nhiều đổi mới, làm cho >đời sống cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên. Chủ tịch nước cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi những người về hưu như chúng tôi, xem cần giúp đỡ gì trong cuộc sống”, bà Doan xúc động chia sẻ.
Có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia từ 6h sáng cùng với đoàn hơn 10 người của Thành ủy Hải Phòng để chờ viếng Chủ tịch nước, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho biết, đã chờ gần 5 tiếng nhưng vẫn chưa đến lượt. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Ca tâm sự: “Với Hải Phòng, Chủ tịch nước đã có những sự quan tâm đặc biệt. Một trong những chuyến đi địa phương đầu tiên sau khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông đã đến Hải Phòng. Với anh em lực lượng công an, vũ trang, Chủ tịch nước vừa là thủ trưởng, vừa là người anh đáng kính. Mới đây, theo lịch thì trước khi từ trần một ngày, đáng lẽ Chủ tịch nước có buổi làm việc với Hải Phòng, nhưng có lẽ do >sức khỏe của Chủ tịch nước yếu đi nên buổi làm việc bị hoãn. Hai ngày trước khi Chủ tịch nước từ trần, tôi vẫn gọi điện nói chuyện với Chủ tịch nước. Vì vậy, khi nghe tin Chủ tịch nước ra đi, tôi không tin đó là sự thật. Thực sự rất bàng hoàng và đau xót”.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng chia sẻ: “Chủ tịch nước là người quyết đoán, nhưng sống rất gần gũi. Thời điểm Chủ tịch nước còn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, khi đó, ở Tương Dương xảy ra vụ thảm sát 4 người chết khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Ngay hôm đó, tôi ra báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng và Bộ trưởng đã chỉ đạo rất sát sao, cụ thể. Chúng tôi triển khai theo đúng chỉ đạo đó và điều tra, phá án thành công”, Đại tá Cầu nhớ lại.
Có mặt tại nhà tang lễ từ sớm, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế nhắc lại kỷ niệm lớn nhất của ông với Chủ tịch nước khi ông cùng các nguyên Bộ trưởng khác được Chủ tịch nước tặng mỗi người một cuốn sách “Không gian mạng- Tương lai và hành động” do chính Chủ tịch viết khi ông còn là Bộ trưởng Bộ Công an. “Chủ tịch nước sống rất hòa đồng, làm việc khoa học và rất nghiêm khắc với bản thân”, ông Tế nhận xét.
Có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia từ gần 6h sáng, cụ Nguyễn Hữu Lâm (SN 1928, ở Hà Nội) dù không phải họ hàng với Chủ tịch nước nhưng cụ vẫn đeo khăn tang tưởng niệm như đã mất đi người thân trong gia đình. Cụ ông 90 tuổi chia sẻ, khi nhận tin Chủ tịch nước từ trần, ông và cả gia đình đều bàng hoàng, đau xót.
Nhớ lại kỷ niệm trước kia, cụ Lâm kể từng được gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang 2 lần. Lần đầu tiên, khi Chủ tịch nước còn làm Bộ trưởng Bộ Công an và lần thứ hai khi ông giữ cương vị Chủ tịch nước. Đặc biệt, một lần, cụ Lâm đã được Chủ tịch nước tặng chiếc áo sơ mi trắng. Vì quá quý trọng món quà này, cụ Lâm cho biết, đã cất giữ chiếc áo ở một vị trí trang trọng trong nhà và chỉ mặc trong những dịp trọng đại.