Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020 để phòng dịch Covid-19.

Phương Duy 06:00 22/02/2020
Ông Nguyễn Đức Chung.

Chiều 21/2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của >Hà Nội đã tổ chức phiên họp. Cuộc họp do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì.

Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong tuần này, theo chỉ đạo của TP, tại tất cả các cơ sở giáo dục, học sinh đều được nghỉ học và Sở đã chỉ đạo việc nắm bắt >sức khỏe của học sinh, thầy cô giáo.

Ông Dũng nói, trong quá trình học sinh nghỉ học, Sở đã có hướng dẫn đối với các thầy cô giáo triển khai, hướng dẫn học sinh tự học. Đồng thời, Sở đã hoàn thành nội dung hướng dẫn các cơ sở giáo dục khi cho học sinh trở lại học.

"Trước tình hình dịch cũng như thông tin dư luận, Sở Y tế, Sở GD-ĐT thống nhất trình Ban chỉ đạo cho phép học sinh nghỉ thêm 1 tuần nữa, cho đến hết ngày 1/3", ông Dũng nói.

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại cuộc họp cũng đã nêu ý kiến thống nhất với quan điểm của Sở GD-ĐT, Sở Y tế đề xuất Ban chỉ đạo tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung sau đó đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ căn cứ của việc đề xuất cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học.

"Căn cứ vào đâu hay cứ theo phong trào? Bây giờ phải có căn cứ, thuyết phục chứ cứ theo phong trào, rầm rầm thế này. Bây giờ các trường dân lập, quốc tế hiện nay đang rất khó khăn.

Cần lưu ý là hiện nay chúng ta chỉ đang thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng chứ trên địa bàn thành phố cho đến giờ phút này chưa có trường hợp nào phát hiện lây nhiễm chéo.

Chúng ta không phải là vùng có dịch và mục tiêu là đưa nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho người dân, cho các cháu học sinh là số một, không để xảy ra lây nhiễm chéo, đồng thời, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Việc đề xuất phải có căn cứ chứ không cứ theo phong trào, nêu một câu và đẩy lên Ủy ban", ông Chung nêu rõ.

Đại diện Ủy ban MTTQ TP cho biết, qua dư luận kể cả giáo viên và nhân dân mong muốn TP chỉ đạo việc này, nhân dân tuân thủ chỉ đạo của TP, còn 1 số bộ phận chưa yên tâm cho con đến trường.

Phát biểu chỉ đạo sau đó, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, mục tiêu quan trọng số 1 là không để lây nhiễm chéo và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, học sinh...

"Trên cơ sở kiểm tra lại cơ sở vật chất và thể theo nguyện vọng của đại bộ phận học sinh, giáo viên, cũng như đánh giá tình hình, khuyến cáo, đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi cũng nêu, chúng ta quyết định sinh viên, học sinh trên địa bàn thành phố sẽ nghỉ hết tháng 2", ông Chung nhấn mạnh.

Ông yêu cầu, đến ngày 2/3 cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện để học sinh đi học trở lại.

Việc quyết định >cho học sinh nghỉ học, theo ông Chung giải thích, cần căn cứ vào 6 yếu tố cụ thể: 

Thứ nhất, theo ông Chung, thực tế địa bàn TP Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm cao dịch Covid-19, bởi gần sát với Vĩnh Phúc và những người đi từ các nước, vùng dịch bệnh như ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời, hiện nay, những người có biểu hiện vẫn chưa kết luận được hết là âm tính với Covid-19. 

 Thứ hai, diễn biến tình hình dịch bệnh trong khu vực vẫn phức tạp, như tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và trung tâm dịch bệnh Vũ Hán số người chết ít hơn nhưng trung tâm còn cao… 

Thứ ba, là đề xuất của các Sở GD-ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. 

Thứ tư là thể theo nguyện vọng của đại bộ phận phụ huynh, giáo viên các nhà trường. 

Thứ năm, cần có thời gian cập nhật phác đồ điều trị cũng như các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. 

Thứ sáu, thực tế, các tỉnh xung quanh đều cho nghỉ hết tháng 2, thậm chí, TP HCM còn đề nghị nghỉ hết tháng 3 nên tạo ra tâm lý không an tâm trong phụ huynh, học sinh, giáo viên. 

“Quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo là phải an tâm, an toàn và dựa trên 6 căn cứ như vậy, tôi quyết định cho các cháu nghỉ hết tháng 2. Tinh thần là toàn bộ hệ thống chính trị chuẩn bị cho mọi người dân, các trường, kể cả các trường quốc tế sẽ đi học lại ngày 2/3”, ông Chung chỉ rõ.

 Về các yêu cầu để đảm bảo cho học sinh đi học ngày 2/3, ông Chung đề nghị, tất cả các quận huyện, trường phải đảm bảo ít nhất mỗi phòng học sinh có một máy đo nhiệt kế điện tử để học sinh trước khi vào và trước khi về được đo xem thân nhiệt như nào. Cùng với đó, chuẩn bị đủ mọi điều kiện về xà phòng và nước tẩy rửa tay cho học sinh trước khi vào lớp và trước khi ra về, cũng như giờ giải lao. 

 Ông Chung yêu cầu, thứ thứ 7- Chủ nhật tuần này và ngày 29/2 và 1/3 tiếp tục khử khuẩn, vệ sinh các lớp học. 

 “Nếu đi học ngày 2/3 thì mỗi sau buổi học phải có đủ điều kiện, nhân công lao động để vệ sinh khử khuẩn tại các phòng học sau khi kết thúc ngày học. Sở GD-ĐT phải phối hợp với Sở Y tế tập huấn thành thạo cho tất cả các giáo viên đó là việc đo nhiệt độ cho học sinh, trước khi vào lớp, ra về và tình huống xử lý khi phát hiện các cháu có dấu hiệu liên quan sốt, ho”, ông Chung nói thêm.

Trước đó, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, thành phố chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với >virus Covid-19. Hiện tại, có 77/77 trường hợp là bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19, được cách ly tại bệnh viện đã có kết quả âm tính.

Hiện tại còn 401/2.057 trường hợp đi về từ vùng dịch phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe tại cộng đồng. Đồng thời, hiện còn 64 trường hợp đang tiếp tục được cách ly theo dõi sức khỏe tập trung tại Bệnh viện Công an TP.

Ông Hạnh cũng cho hay, hiện tại ở Trung Quốc tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh không ổn định và số ca tử vong vẫn ở mức cao. Nguy cơ dịch lan rộng tại các nước ngoài Trung Quốc là hiện hữu, đặc biệt tại một số quốc gia khu vực Đông Nam Á. Đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, trong hai ngày qua, số ca mắc Covid-19 đã gia tăng, ghi nhận ca tử vong.

Tại Việt Nam, số lượng ca mắc dịch duy trì ở 16 trường hợp và từ ngày 13/2 tới nay, chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.

 

Theo Hoàng Đan/Tổ Quốc