Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, không có chuyện Hà Nội "tranh việc" để thông tin ca bệnh Covid-19. Ông đề xuất cần công bố sớm các bệnh, bởi độ trễ của thông tin sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng dịch.
Sáng 13/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận huyện, xã phường để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống, khoanh vùng dập dịch.
"Rà soát Bạch Mai mới ra ổ dịch Hạ Lôi"
Về ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, ông Chung cho biết, nhân dân vùng này trồng khoảng 100 hecta hoa cung cấp trong địa bàn thành phố. Trong đó, hoa cúc chủ yếu cung cấp cho các nhà tang lễ, làm vòng hoa để phục vụ cho các đám tang. Nhóm này sẽ trực tiếp tiếp xúc với nhiều người. Bên cạnh đó là những người mua bán hoa (chủ yếu là bán lẻ) ở các chợ sẽ có nguy cơ lây nhiễm Covid -19. Việc vận chuyển hoa cho các tỉnh thực hiện bằng máy bay, ô tô thì chủ yếu liên quan đến những người lái xe, bốc vác.
"Cần phân tích rõ từ việc cung cấp, nhu cầu của từng loại hoa đặc thù của vùng này để khoanh vùng cụ thể lại. Tôi tin là nếu tính đến đường đi ngóc ngách thì việc bán hoa từ các đại lý sẽ đến từng cơ quan", Chủ tịch UBND TP phân tích rõ nguy cơ.
Từ đó, chính quyền Hà Nội đề nghị các quận và các huyện, đặc biệt là các huyện có chợ hoa (Mê Linh, Đông Anh, quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm) và quận có nhà tang lễ (Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy) cần rà soát, theo dõi kỹ những người thuộc nhóm nguy cơ trên.
Nói về một số quan điểm trái ngược của các chuyên gia về nguồn gốc lây nhiễm các ca ở Hạ Lôi, ông Chung nêu rõ: "Quan điểm của tôi với cương vị chỉ đạo ở thành phố xác định rõ, là chúng tôi rà soát những người có liên quan đến Bạch Mai thì mới ra bệnh nhân 243 và từ bệnh nhân này mới ra các bệnh nhân khác ở thôn Hạ Lôi. Chúng ta phải khẳng định điều này. Chúng ta đã thống nhất quan điểm rất rõ ràng là những ai đã đến Bệnh viện Bạch Mai là có nguy cơ cao. Nhất là trường hợp này lại đến khoa có nguy cơ nhiều nhất".
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện cần đúc kết những bài học trong quá trình xác minh, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, lấy mẫu và nhấn mạnh. "Hà Nội vừa trải qua 14 ngày tương đối sóng gió. Từ ca đầu tiên phát hiện ngày 6/3, đến nay đã 1 tháng 6 ngày, và Hà Nội vẫn là một địa bàn nóng bỏng và có số ca nhiễm và số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất".
Tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"
Đến sáng nay, Hà Nội cho biết có 117 ca dương tính >Covid-19 nhưng theo số liệu của Bộ Y tế công bố là 110 ca, thì các trường hợp còn lại đang ở đâu?
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội cần thay đổi cách làm, bởi nếu không không đồng bộ, không nhất quán nhất là về thông tin sẽ làm người dân phân tâm nhất là việc phát ngôn khác nhau.
Đặc biệt ông Chung nhấn mạnh, không có chuyện Hà Nội "tranh việc" để thông tin ca bệnh Covid -19. Ông nêu rõ, trong giai đoạn 1, Bộ Y tế cho phép CDC Hà Nội xét nghiệm loại trừ. Giai đoạn 2 cho phép xét nghiệm khẳng định. Hà Nội đã đề xuất là khi đã xét nghiệm khẳng định thì cập nhật và công bố luôn bởi độ trễ của thông tin sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng dịch.
Chủ tịch UBND TP dẫn chứng: "Như ca bệnh 259, 260 Bộ Y tế công bố chiều 12/4 thì Hà Nội đã thông báo từ chiều 11/4, đáng lẽ, trong sáng 12/4 bộ cần công bố luôn nhưng lại để đến buổi chiều. Nhân dân không thấy thông tin, rồi báo chí đưa tin sáng không có ca bệnh... Như vậy sẽ dẫn đến chủ quan, không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng".
"Nếu những vấn đề phù hợp với khoa học dịch tễ và thực tiễn thì chúng ta cần mạnh dạn sửa ngay. Chúng tôi là những người trực tiếp làm nên chung chung là khó làm", ông Chung nói.
Bài học từ Mê Linh, và các nơi khác Chủ tịch UBND TP đề nghị tổ công tác của Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để có cảnh báo về các đối tượng, độ tuổi dễ lây nhiễm Covid -19.
"CDC Hà Nội, Sở Y tế cũng cần cùng với các chuyên gia nghiên cứu kỹ vấn đề này. Phân tích phải logic với nhau và chọn cái xác suất nhiều hơn để đưa ra nhận định thống nhất, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"".