Giá xăng dầu "leo thang" kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá chóng mặt, người tiêu dùng buộc lòng phải "thắt lưng buộc bụng" để duy trì cuộc sống.
Ngày 11/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định >tăng giá xăng thêm 1.550 đồng/lít, đưa giá xăng RON 95 gần chạm mốc 30.000 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng RON 95 là 29.980 đồng/lít, đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Dưới sức ép của giá xăng dầu cao lịch sử, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng giá chóng mặt. Từ đầu năm đến nay, giá dầu ăn thực vật đã được điều chỉnh từ 32.000 đồng lên đến 48.000 đồng/lít. Giá bán lẻ dầu ăn hiện tại lên đến 48.000 đến 55.000 đồng/lít. Thậm chí, các dòng dầu ăn thuộc sản phẩm trung và cao cấp như dầu gạo lứt, dầu hướng dương, dầu đậu nành,… có mức giá lên đến 70.000 - 85.000 đồng/lít.
Bên cạnh dầu ăn, nhiều mặt hàng như đường, gạo, trứng, rau củ quả,… cũng tăng giá từ 10 / 20%. Khảo sát tại một số chợ, giá gạo tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, giá đường tăng khoảng 3.000 đồng/kg, giá đậu đen tăng khoảng 5.000 đồng/kg,…
Theo chị Hạnh, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết do hiện tại, giá xăng dầu tăng khiến giá cước vận tải cũng theo đó tăng cao. Các mặt hàng hóa thiết yếu liên tục biến động.
"Đa số các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá, tùy từng mặt hàng tăng nhiều hoặc tăng ít. Trong đó, dầu ăn là tăng kỷ lục nhất, nhiều người mua hàng cũng thắc mắc sao giá cao vậy nhưng biết làm thế nào, giờ giá cả nó như vậy rồi", chị Hạnh ngán ngẩm cho biết.
Anh Đạt, một chủ cửa hàng bán trái cây tại Thanh Xuân cũng cho biết giá vận chuyển tăng cao nên phải áp vào giá bán, nếu không thì bán hàng không có lãi. "Trước đây, vận chuyển trái cây từ Sơn La về Hà Nội chỉ mất khoảng 50.000 - 60.000 đồng nhưng giờ giá xăng tăng phải lên mức hơn 100.000 cho một thùng 10kg.
Mình là tiểu thương nhỏ, giá vận chuyển tăng cao, phải áp vào giá bán nếu không coi như không còn lãi nữa", anh Đạt chia sẻ.
Hàng loạt mặt hàng tăng giá ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Mỗi lần đi chợ, các bà nội trợ không rơi vào cảnh ngán ngẩm "vừa ra đến chợ đã hết sạch tiền".
Chị Nhung (40 tuổi, Hà Nội) phải chăm lo cho gia đình 5 người. Chị thường xuyên phải "cân đo đong đếm" cẩn thận để thắt chặt chi tiêu gia đình.
"Mỗi lần đi chợ phải cân nhắc mua gì, tiêu bao nhiêu từng ngày, mua gì để tiết kiệm nhất. Vật giá tăng cao, có khi cầm 500.000 nghìn đi chợ, chưa mua được gì nhiều mà đã thấy hết tiền rồi. Lúc trước, cả gia đình chi tiêu hết tầm 7-8 triệu/tháng thì giờ cũng phải tăng thêm 1-2 triệu tiền đi chợ nữa mới đảm bảo được", chị Nhung cho biết.
Bạn Kim Ngân (20 tuổi) hiện đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn khi chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng đột biến. "Mình là sinh viên có đi làm thêm, trước đi xe máy 1 tuần đổ bình xăng hết khoảng 50.000 - 60.000 đồng, thì giờ phải mất gần 100.000 đồng. Rồi ăn một bữa cơm bụi hay bát phở cũng tăng thêm vài nghìn. Giờ mình đang tính đi xe buýt hoặc tàu điện cao tốc để tiết kiệm chi phí, chứ không khó lòng kham nổi", Ngân than thở.
Chị Trà My (27 tuổi, Hà Nội) sau dịch Covid-19 thì công việc cũng bị ảnh hưởng. Lương bị cắt giảm nhưng các chi phí sinh hoạt thì không ngừng tăng cao. Gia đình chị rơi vào cảnh khó khăn. "Mình đang nuôi con nhỏ, vừa rồi lương thì bị cắt giảm nữa, cuộc sống vốn đã khó khăn. Giờ thì các chi phí sinh hoạt lại tăng nữa, trước bình gas tầm 300.000 đồng thì giờ đã gần 500.000 đồng rồi đủ các loại chi phí, đâu đâu cũng cần dùng đến tiền. Mỗi tháng, mình phải chắt bóp từng đồng mới đủ phí sinh hoạt cho cả gia đình", chị My ngán ngẩm.
Giá cả leo thang ảnh hưởng trực tiếp đến >đời sống của người dân, đặc biệt là những người lao động có mức thu nhập thấp. Người dân buộc lòng phải "thắt lưng buộc bụng", tiết kiệm chi tiêu để có thể duy trì được cuộc sống.