Ngày cuối năm đã cận kề, việc mua sắm Tết sao cho phù hợp với kinh tế của mỗi gia đình luôn là điều mọi người quan tâm.
Việc chi tiêu cho ngày Tết là mối quan tâm chung của nhiều gia đình. Đối với các cặp vợ chồng, đây là vấn đề cần có sự thống nhất, cân đối giữa cả hai người. Pháp luật quy định rất rõ ràng, vợ chồng đều có quyền bình đẳng ngang nhau mọi mặt trong gia đình. Nếu người chồng không cho vợ tiêu những khoản tiền chính đáng thì có thể bị phạt từ 300 ngàn đến 500 ngàn đồng.
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân”, Theo Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định.
Điều 17 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”.
Tiền lương và thu nhập của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Hai người đều có quyền sử dụng tài sản này bình đẳng như nhau. Nếu vợ hoặc chồng keo kiệt không cho vợ hoặc chồng sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng thì có thể bị phạt từ 300-500 ngàn đồng.
Điều này được thể hiện trong Khoản 1 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng”.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật chia sẻ: Hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể thế nào là “mục đích chính đáng” và sử dụng tài sản chung vào những việc gì thì được xem là mục đích chính đáng. Vì thế, có thể hiểu cụm từ “mục đích chính đáng” dựa trên tinh thần của điều luật này là tạo sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc sử dụng tài sản chung do vợ chồng tạo lập cho gia đình.
Hay nói cách khác, đó là những khoản chi tiêu để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình. Từ đó, liên hệ với quy định tại khoản 20 Điều 3 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”.
Theo đó, nhu cầu chi tiêu cho dịp Tết có thể xem là một khoản chi tiêu vào mục đích chính đáng, phù hợp với truyền thống của gia đình Việt Nam. Chẳng hạn, người Việt thường chuẩn bị mâm cỗ, hoa quả để giỗ cúng ông bà tổ tiên; mua sắm quần áo mới; chuẩn bị quà bánh để biếu tặng; trang hoàng nhà cửa... như là những công việc, khoản chi cơ bản chuẩn bị cho ngày Tết.
Như vậy, nếu mua một chậu mai quý với giá trị từ vài trăm triệu tới cả tỷ đồng thì đó lại là một khoản chi không hợp lý, không có tính cần thiết cho gia đình, là không thiết yếu, không chính đáng. Tuy nhiên, khi xem xét yếu tố chính đáng thì cũng cần phải đánh giá tính tương xứng giữa thu nhập của cả gia đình và chi phí phải bỏ ra cho việc mua sắm này.
Tóm lại, để áp dụng điều khoản này trong Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì còn phải tùy thuộc vào quan điểm của cơ quan hành chính và khả năng chứng minh mức độ chính đáng của người có nhu cầu thực hiện khoản chi đó.