Liên quan đến vụ chó Pitbull cắn chết người và làm chủ bị thương vào tối ngày hôm qua 20/5, cộng đồng mạng xôn xao về trách nhiệm của những người trong cuộc sau vụ việc.
Một vụ việc >chó Pitbull >cắn chết người xảy ra vào 23h30 ngày 20/5 tại ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã gây hoang mang dư luận. Theo thông tin từ báo Gia đình và Xã hội, anh H.T.H.(37 tuổi, ngụ xã Nhị Bình, huyện Tân Trụ, Long An) đi uống cafe và dắt theo chó Pitbull không rọ mõm. Anh H. ghé vào quán ở gần khu công nghiệp Hòa Bình thuộc ấp 4, xã Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) để chờ bạn.
Sau đó, một thanh niên là bạn của anh H. đến ngồi uống cà phê. Khoảng 20 phút sau, trong lúc nói chuyện người bạn của anh H. quơ tay và hơi lớn tiếng, bất ngờ con chó Pitbull đứng cách 1m phóng tới quật ngã thanh niên xuống đất. Con chó hung dữ cắn xé tới tấp vào người thanh niên khiến nạn nhân bị chảy nhiều máu và tử vong tại chỗ. Anh H. can ngăn nhưng đã bị nó cắn nhiều vết trên đầu, vai, tay dẫn đến bị thương khá nặng.
Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật TP.HCM về trách nhiệm của những người trong cuộc, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, phân tích:
Về phạt hành chính: Điều 7 của Nghị định 90/2017 có quy định: phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa cho ra nơi công cộng.
Về dân sự: Theo điều 603 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Cụ thể, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Về hình sự: Tại điều 295 Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người. Theo đó, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
- Làm chết người.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho >sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Như vậy, trong trường hợp người chủ nuôi chó, dẫn chó ra nơi công cộng không thực hiện các quy định như không đeo rọ mõm, >chó cắn chết người thì có thể bị phạt hành chính, bồi thường thiệt hại cho gia đình người chết hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.