Khi hay tin dữ con trai gặp nạn và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, vợ chồng ông Đồ như rụng rời chân tay, không dám tin vào sự thật. Ông Đồ nghẹn ngào: "Mất con là mất tất cả rồi".
Thi thể chiến sĩ cảnh sát PCCC – Chử Văn Khánh (SN 1993) hi sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ vụ >tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều qua (18.3) chưa được đưa về nhà, hiện đặt ở nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai, chờ truy điệu.
Tuy nhiên, trưa 19.3, căn nhà nhỏ của Khánh ở cuối xóm 3, xã Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội), bạn bè, đồng nghiệp đã đến rất đông để chia buồn và giúp gia đình lo hậu sự.
Không chịu được nỗi đau, mẹ chiến sĩ Khánh – bà Đặng Thị Tăng có lúc khóc ngất, phải ghìm mãi bà mới chia sẻ được ít chuyện. Bà nói, Khánh là con út trong gia đình (trước Khánh có 2 anh trai, một chị gái), không có ai theo ngành công an.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, Khánh nói muốn trở thành chiến sĩ cứu hỏa. Ban đầu, bà Tăng khuyên con không nên theo ngành, sợ con vất vả, nhưng Khánh quyết, gia đình đành chấp thuận.
“Khánh trở thành lính cứu hỏa từ tháng 9.2015, cấp bậc binh nhì, thuộc Phòng cảnh sát PCCC số 12. Hồi mới trở thành chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, cậu út (tên thân mật của Khánh) vui mừng đến phát khóc, “phô” khắp làng. Thấy con say nghề, chúng tôi cũng vui lòng”.
Bà Tăng nói tiếp, gia đình mới thoát nghèo được vài năm. Căn nhà cấp 4 đã cũ nát, gạch nứt nẻ hết, mỗi lần thấy vậy, trung úy Khánh nói sẽ chịu khó tích cóp tiền để sửa nhà cho mẹ.
“Nghe con nói vậy, tôi rất xúc động nhưng ai nỡ lòng nào lấy tiền của con. Mình lam lũ một tý, vài năm nữa cũng sửa được nhà thôi. Nó tích cóp tiền, lấy vợ, còn lo cuộc sống gia đình", bà Tăng nghẹn ngào.
Trong căn nhà nhỏ, ông Chử Văn Đồ (bố của chiến sĩ Khánh) ngồi lặng thinh không nói, từ lúc nhận được hung tin đến giờ ông phải cố đứng vững. Nếu >sức khỏe của ông có chuyện sẽ không ai đứng ra lo hậu sự cho con trai được.
Ông Đồ chia sẻ, con trai ông mất lúc 1h sáng nay (19.3), tại Bệnh viện Bạch Mai. Nghe tin dữ, cả gia đình hộc tốc chạy xe lên bệnh viện gặp con lần cuối, trước khi thi thể con được đưa vào nhà xác của bệnh viện. Nhìn con lấm lem máu, nhiều vết xước lớn, người làm cha làm mẹ đau xót vô cùng.
“Một tháng nữa, Khánh được đơn vị cho đi học cảm tình Đảng. Cháu còn rất nhiều dự định đang ấp ủ, giờ không thực hiện được nữa rồi. Mất con là mất tất cả rồi”, người đàn ông 62 tuổi khóc nghẹn.
Theo lời ông Đồ, trước đây, công việc bận rộn, một tháng Khánh về quê một lần. Tuy nhiên, từ Tết đến giờ, Khánh về nhà liên tục. Khánh luôn miệng nói “nhớ gia đình, muốn gần bố mẹ”.
"Cách đây 4 hôm, Khánh về nhà nhưng hai bố con không có thời gian nói chuyện với nhau vì hôm ấy tôi đi làm đồng, ở nhà chỉ có hai mẹ con.
Hôm đó, Khánh còn xin ảnh của cháu trai (con anh trai thứ 3 của Khánh) để làm kỷ niệm, ai ngờ đâu, đó là lần cuối mà vợ chồng tôi được gặp con trai".