Nhà văn trẻ Thương Hà vừa ra mắt tiểu thuyết "Người PTSD". Đây là tiểu thuyết thứ ba của nữ nhà văn hoàn thành sau quá trình dày công ấp ủ. Điểm đặc biệt ở Thương Hà là chị đã tiếp cận và đi sâu diễn biến tâm lý nhân vật và gọi tên cho một hội chứng sau chiến tranh là sang chấn tâm lý của những người lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Chị cũng mở lối thoát cho những ám ảnh của quá khứ đó là chỉ có yêu thương mới xoa dịu được nỗi đau chiến tranh.
“Ầu ơ ví dầu.... "
Tiếng hát ru con đưa ông về quá khứ ảm ảnh, chỉ một viên đạn đã khiến bà mẹ đang ru con ngủ chết ngay tại chỗ, tiếng khóc thảm thiết của đứa con rời vú mẹ và rồi đột nhiên im lặng bởi tiếp tục viên đạn thứ 2, khiến em không bao giờ có cơ hội tồn tại trong cuộc đời này.
Những giấc mơ kinh hoàng về sự tàn sát, chết chóc cứ đeo bám cuộc sống của Sam. Ông cũng chính là một trong số những nạn nhân tham chiến ở Việt Nam bị mắc >sang chấn tâm lý (hội chứng PTSD). Dù cũng đã được con gái nuôi người Việt Nam điều trị nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, tìm về Việt Nam đối diện với sự thật tàn khốc của >chiến tranh là cách ông giải thoát cho tội lỗi của bản thân.
PTSD là hậu quả lâu dài của các sự kiện đau thương gây ra nỗi sợ hãi, bất lực hoặc kinh hoàng, như tấn công tình dục hoặc thể xác, cái chết bất ngờ của người thân, tai nạn, chiến tranh hoặc thảm họa tự nhiên.
Trở về Mỹ sau chiến tranh, Sam sống độc thân sau khi người vợ qua đời từ trước, ông nhận bé Thu - một bé gái Việt Nam di dân làm con nuôi.
Trong một chuyến du lịch tới nhiều nơi tại Việt Nam, cựu binh Mỹ mắc chứng PTSD đã nhiều lần chuyện trò với Lâm, người hướng dẫn du lịch, với ông Đức bố Lâm, một cựu chiến binh phía Bắc Việt Nam, và với Diễm, cũng là hướng dẫn viên du lịch. Sam như được nâng đỡ, tiếp sức khi gặp sự đồng cảm của ông Đức, nhưng thấy đau khổ, căng thẳng khi vấp phải sự phản ứng quyết liệt của Diễm.
Trong suốt chuyến đi người cựu chiến binh Mỹ vẫn luôn liên lạc trò chuyện với người con nuôi Việt, quá khứ của Thu vẫn là điều chưa biết của Sam và cô cũng chưa dám đối diện với nó.
Từ Mỹ, Thu bay về nước và cùng bố nuôi đến thăm một trại trẻ nạn nhân chất độc da cam. Từ đây Sam tìm thấy việc làm cuối đời của mình để chuộc lỗi, để thoát khỏi PTSD, là sẽ xin vào đây làm việc thiện nguyện.
Và “Cầu vồng đã dần ló dạng. Một thứ gì đó đẹp đẽ đang chờ đón chúng ta ở phía trước. Cuộc sống này cũng vậy. Chiến tranh đi qua có thể để lại nhiều những vết thương khó lành. Thế nhưng tương lai thì vẫn đang ở phía trước. Và cầu vồng sau mưa thì vẫn luôn đẹp như thế. Người ta không thể mãi sống trong quá khứ để níu giữ những khổ đau. Chỉ có yêu thương mới xoa dịu được nỗi đau những tàn dư do chiến tranh để lại”.
Khép lại tiểu thuyết với 52 chương, hơn 518 trang, >Người PTSD của Thương Hà đã mở ra cho người đọc một cảm giác lạc quan, tràn đầy hy vọng như cô quan niệm: "Văn chương bằng tình yêu thương cứu giúp con người từ trong tăm tối bước ra ánh sáng".
Cùng với Người PTSD, Thương Hà đã xuất bản hai tiểu thuyết dày dặn Một con đường, Nalis xô dạt bờ định mệnh.
Thương Hà sinh năm 1981, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.