Nhiều mặt hàng rau củ, trái cây, hàng tiêu dùng đã bắt đầu tăng giá khiến người mua "hoang mang, chóng mặt".
Nhiều loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô và thậm chí nhiều sản phẩm khác đã bất ngờ >tăng giá cao khiến nhiều hộ gia đình gặp khó trong sinh hoạt tiêu dùng.
Theo ghi nhận của Tiền Phong tại các chợ truyền thống, giá rau xanh, thịt gà, cá các loại đã tăng giá. Một tiểu thương buôn bán rau trên đường An Dương Vương, quận 8 cho hay: "Xà lách 55.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), cải cúc, cải bó xôi 45.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), bông cải 60.000 đồng/kg (tăng gần 10.000 đồng), cà chua 30.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng)… Tương tự, hành lá, ớt cũng tăng giá thêm 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, các loại rau xanh như rau cải ngọt, rau dền, mùng tơi cũng nhảy thêm 3.000-4.000 đồng/kg. Dù giá có tăng nhưng nhiều loại rau còn không có hàng để bán. Như bông cải bình thường tôi có thể lấy được nhiều, nhưng nay mối giao chưa tới 30 kg".
Không chỉ các mặt hàng tươi sống tăng giá mà tại các cửa hàng tạp hóa bán thực phẩm khô cũng tương tự. Dẫn tin từ Zing News, hơn 1 tháng nay rất nhiều mặt hàng tiêu dùng được thông báo tăng giá.
Trả lời PV Zing News, một hộ kinh doanh tạp hóa cho hay: "Dầu ăn Happy Koki chai 1 lít là 40.000 đồng, dầu ăn Neptune 1 lít 52.000 đồng, dầu ăn Simply 1 lít 56.000 đồng/chai, dầu ăn Tường An 1 lít là 47.000 đồng. So với thời điểm đầu tháng 5, mỗi chai dầu ăn đều tăng giá 3.000-5.000 đồng/chai, tùy loại và đang có xu hướng tăng lên".
Bên cạnh đó, tại một số hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM cũng cho biết từ đầu tháng 10 đến nay nhiều nhà sản xuất, cung ứng đề nghị tăng giá bán, trong đó tập trung vào nhóm ngành hàng thực phẩm, công nghệ và tươi sống với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng.
Trước đó, theo thông tin từ Tuổi Trẻ, từ 16h chiều ngày 26/10, Liên bộ Công thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó xăng RON95 tăng hơn 1.460 đồng, vượt mốc 24.000 đồng/lít.
Tiếp tục trả lời trên Zing News về nguy cơ lạm phát khi> giá cả thị trường "leo thang", PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả - cho rằng khi các chi phí đầu vào như xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi tăng... sẽ cảnh báo nguy cơ lạm phát. Thực trạng này đang ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian ngưng trệ.
Ông cho biết giá nhiên liệu tăng tác động trực tiếp và gián tiếp đến hầu hết lĩnh vực, đẩy CPI tăng. Các doanh nghiệp vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ, nông nghiệp sử dụng xăng dầu… chịu ảnh hưởng trực tiếp.
"Còn các loại hàng hóa đến tay người tiêu dùng thông qua khâu vận chuyển sẽ chịu tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng. Khi giá xăng tăng, chi phí sản xuất tăng, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng", ông nói.