Dù được gia đình động viên kháng cáo nhưng bà Phương Hằng không đồng ý mà chấp nhận mức án, xin được thi hành án sớm.
Như đã đưa tin trước đó, theo Tuổi Trẻ, ngày 9/10, TAND TP.HCM cho biết đã nhận được 5 đơn kháng cáo, trong đó có 4 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đến nay, tòa không nhận được đơn kháng cáo của bà Nguyễn Phương Hằng.
Theo thông tin từ Dân Trí, liên quan đến việc >bà Phương Hằng có được giảm thời gian chấp hành án khi không làm đơn kháng cáo, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 38 Bộ luật Hình sự 2015, mức án tù đối với người bị tuyên phạt tù có thời hạn tối thiểu là 3 tháng và tối đa là 20 năm. Trong đó, thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, quy đổi theo công thức 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 1 ngày tù.
Còn theo khoản 1, Điều 6 Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC, phạm nhân đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời hạn đối với hình phạt tù từ 30 năm trở xuống thì sẽ được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Việc xét giảm thời gian chấp hành án phạt tù sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kết quả cải tạo, thi đua của bị án trong thời gian thi hành án hay việc họ đã chủ động khắc phục hết hậu quả do hành vi phạm tội gây ra hay chưa...
Đối chiếu những quy định trên vào vụ việc, ông Thắng nhận định bà Hằng bị tạm giam từ tháng 3/2022, trong khi thời điểm xét xử là tháng 9/2023. Như vậy, bà Hằng đã bị tạm giam khoảng 18 tháng và sẽ còn phải chấp hành thêm 18 tháng tù theo bản án đã tuyên của TAND TP.HCM.
Theo quy định, phạm nhận khi chấp hành án ít nhất 1/3 thời hạn hình phạt tù thì sẽ được xem xét giảm án. Tuy nhiên, ông Thắng nhìn nhận với trường hợp của bà Phương Hằng, dù đã bị tạm giam quá 1/3 thời hạn hình phạt tù theo quy định nhưng bị cáo sẽ chưa thể ngay lập tức được xem xét giảm án.
"Việc bà Hằng bị tạm giam được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Thi hành tạm giữ tạm giam 2015, không được tính vào thời gian thi hành án. Thời gian thi hành án chỉ bắt đầu được tính từ khi bị cáo bắt đầu chấp hành hình phạt theo quyết định đã có hiệu lực của tòa án.
Từ thời điểm này, trại giam mới có thể xem xét, đánh giá để theo dõi quá trình cải tạo, phấn đấu của người phạm tội, từ đó xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho họ", luật sư phân tích.
Do đó, với trường hợp của bà Phương Hằng, ông Thắng cho rằng bị cáo sẽ phải chấp hành án thêm ít nhất 6 tháng nữa. Sau đó, tùy thuộc vào kết quả cải tạo, bà Hằng có thể được các cơ quan có thẩm quyền xem xét rút ngắn thời gian thi hành án.