Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương gần đây đã giới thiệu hình ảnh về chàng trai hiến máu 100 lần trên fanpage, đó là Nguyễn Văn Thanh (26 tuổi, ở huyện Mê Linh, Hà Nội).
Sau khi hình ảnh về "hiệp sĩ hiến máu" Nguyễn Văn Thanh được đăng tải, cộng đồng mạng đồng loạt dành những lời tán dương không ngớt cho chàng trai trẻ tuổi nhưng đã có bề dày thành tích >hiến máu cứu người đáng nể.
Cơ duyên khiến anh Thanh bắt đầu đi hiến máu nhân đạo nhiều như vậy là kể từ năm 2014, khi anh còn là sinh viên. Thời đó, anh đi xe buýt thấy người ta kêu gọi đi hiến máu có quà tặng nên hiến thử, ai ngờ lần đó đã nuôi dưỡng trong anh tình yêu với công việc hiến máu tình nguyện.
Kể từ đó, đều đặn 3 tháng một lần anh đi hiến máu toàn phần, còn hiến tiểu cầu thì liên tục 14-15 lần/năm. Đến tháng 6/2022, anh Thanh đạt cột mốc 100 lần, dấu ấn đáng nhớ ghi dấu nghĩa cử cao đẹp của anh bao năm qua.
"Sau mỗi lần hiến, tôi được giấy chứng nhận để không may nếu >sức khỏe có vấn đề gì cũng nhận lại được máu. Nhưng quan trọng hơn cả là tôi muốn được giúp đỡ người bệnh, muốn lan tỏa việc hiến máu và tham gia các hoạt động tình nguyện", anh chia sẻ với báo Thanh Niên.
Để có thể hiến máu với tần suất liên tục như vậy, anh Thanh duy trì việc ăn uống, sinh hoạt điều độ, cộng với chơi thể thao để sức khoẻ luôn ở trạng thái tốt nhất. May mắn là anh làm công việc tự do giờ giấc nên có thể đến viện bất cứ lúc nào để hiến máu.
Dù giữ gìn lối sống khoa học, có sức khoẻ tốt song cũng có đôi lần chàng trai này rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Ví dụ như một lần vừa hiến máu xong, anh Thanh đã vội chạy đi đá bóng nên bị choáng ngất ngay trên sân khiến gia đình, bạn bè được một phen lo sốt vó. Từ đó, anh càng tự nhủ phải cẩn thận hơn trong mọi việc, vừa không làm người thân lo lắng, vừa không để ảnh hưởng đến việc hiến máu.
Để có thể theo đuổi việc hiến máu nhân đạo với tần suất dày như vậy, phía sau anh Thanh may mắn luôn có sự ủng hộ tối đa từ vợ. Vợ anh Thanh là chị Nguyễn Thị Nhật Lệ (26 tuổi), ban đầu chị cũng phản đối việc chồng hiến máu quá nhiều vì lo ảnh hưởng đến sức khoẻ của anh.
Tuy nhiên, sau khi anh Thanh giúp vợ tìm hiểu về những lợi ích của việc hiến máu, đồng thời thường xuyên chia sẻ những hình ảnh, câu chuyện xúc động về những người bệnh tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nên chị Lệ cũng thấy được ý nghĩa sâu sắc của việc hiến máu tình nguyện và hết mình ủng hộ chồng.
“Qua những câu chuyện, vợ mình hiểu và thấy thương người bệnh nên ủng hộ chồng hiến máu. Mỗi lần hiến máu, mình thích ăn gì cô ấy cũng mua về nấu để mình mau chóng hồi phục sức khoẻ”, Thanh kể với báo Tuổi Trẻ Thủ đô.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng là thế nhưng anh Thanh chưa một lần xao nhãng việc hiến máu cứu người của mình. Anh hiểu việc dự trữ máu tại các bệnh viện trong mùa dịch khó khăn như thế nào, người bệnh cần anh ra sao nên anh cố tham gia đều đặn việc hiến máu, hy vọng những nỗ lực của mình có thể giúp bác sĩ cứu người, giúp người bệnh sớm khỏi.
Hiến máu nhiều đến mức được gọi vui là "hiệp sĩ hiến máu", thế nhưng với anh Thanh, anh chỉ mong muốn có thể mang giọt máu của mình tiếp nối càng nhiều sự sống càng tốt.
Anh trải lòng với báo trên: “Mong muốn lớn nhất của mình là nhiều người bệnh có thể tiếp tục sống và ngày càng có nhiều người tham gia hiến máu cứu người. Trong một lần tham dự lễ tri ân những người hiến máu, được nghe người bệnh chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động, mình càng tự nhủ bản thân phải tiếp tục và làm tốt hơn nữa việc tình nguyện này. Vì thế, còn sức khỏe là mình còn tham gia hiến máu tình nguyện”.