Dù mang thai cận ngày sinh nhưng chị Phương vẫn không ngại nắng mưa, trèo đèo lội suối kịp thời kết nối những hoàn cảnh khó khăn với mạnh thường quân.
Một cán bộ thư viện tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm và luôn hết mình chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh… là những lời khen ngợi chân thành của bạn bè, đồng nghiệp cũng như người dân địa phương dành cho chị Nguyễn Thị Phương (39 tuổi) – nhân viên thư viện, công tác tại trường THCS Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Hàng ngày, sau giờ tan trường, chị Phương lại dành thời gian quan tâm, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ hàng trăm hoàn cảnh bất hạnh trên địa bàn và những vùng lân cận.
Cơ duyên đến với con đường thiện nguyện của chị Phương từ năm 2017, nghe tin anh Lý ở bản Trầm (thôn Đồng Lân, xã Đức Hóa) qua đời khi tuổi còn rất trẻ, để lại cho người vợ gánh nặng 3 đứa con thơ trong cảnh khó khăn, thiếu thốn. Thương cảnh mấy đứa trẻ thơ dại mồ côi cha, nguy cơ thất học giữa chừng, chị Phương nghĩ phải làm một điều gì đó.
"Nghĩ là làm, tôi đăng hoàn cảnh của mấy đứa con anh Lý lên Facebook kêu gọi rồi ngỏ lời từng đồng nghiệp, người thân, bạn bè quan tâm, giúp đỡ. 3 đứa trẻ sau đó được nhiều người quan tâm, chia sẻ. Đặc biệt, đứa con đầu lòng của anh Lý được nhận nuôi đến năm 18 tuổi", chị Phương vui vẻ nhớ lại.
Cũng từ đó, mỗi khi có hoàn cảnh khó khăn như gặp tai nạn rủi ro, mắc bệnh hiểm nghèo, mồ côi… đều tìm đến nhờ chị giúp đỡ. Những trường hợp chị Phương kêu gọi đều được xác minh rõ ràng, lập danh sách ủng hộ cụ thể từ bộ quần áo cũ, hộp sữa tươi đến tiền bạc… rồi công khai trên Facebook cá nhân.
Có lẽ, người dân ấn tượng nhất là hình ảnh chị Phương bụng bầu vượt mặt nhưng vẫn miệt mài với những mảnh đời bất hạnh. Thời điểm chị Phương mang thai ở tháng thứ 7, nghe tin gia đình chú Sự (trú xã Đức Hóa) bị tai nạn nguy kịch không tiền cứu chữa. Sau khi xác minh hoàn cảnh, chị đăng bài kêu gọi.
Chỉ mấy ngày sau đó, dù đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng trao tận tay số tiền quyên góp của mạnh thường quân cho người thân có thêm kinh phí kịp thời điều trị.
Cũng trong thời gian này, một người phụ nữ ở làng bên bị ung thư cổ tử cung, chồng bị tai biến cũng được chị Phương giúp đỡ.
Chị Phương kể, thời gian đầu tham gia thiện nguyện cũng gặp khó khăn khi chồng và mẹ chồng phản đối. Ngoài công việc chị còn chăm sóc 3 cậu con trai (lớn nhất 13 tuổi, nhỏ vừa lên 3) nên lo chị không đủ sức gánh vác, vất vả. Nhưng rồi dần dần, hiểu ra được ý nghĩa nhân văn những việc chị làm, chồng và mẹ chồng không những nhiệt tình ủng hộ mà còn tạo điều kiện để chị có thời gian "lo chuyện bao đồng".
Đáng nhớ nhất với chị Phương là hoàn cảnh của em Cao Hoài Nhi (học sinh lớp 6) bị ung thư máu. Nhi bị bệnh từ năm học lớp 3. Sau 3 năm ôm con nằm viện, nợ nần chồng chất, gia đình lâm cảnh vô cùng khó khăn. Sợ con gái phải đầu hàng số phận, bố mẹ bé Nhi tìm đến nhờ chị Phương giúp đỡ. Bé Nhi sau đó được rất nhiều mạnh thường quân giúp đỡ, có cơ hội tiếp tục điều trị.
"Bé Nhi yếu ớt ngày nào giờ đã là một "nam sinh" lớp 10, luôn vui vẻ, hồn nhiên và tràn đầy năng lượng. Nói nam sinh là vì dù là một bé gái nhưng càng lớn, tính cách, ăn mặc của Nhi thể hiện là một "bé trai". Chính nhờ sự quan tâm của mạnh thường quân mà em có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật, vượt lên số phận", chị Phương chia sẻ.
Ngoài ra, hàng năm chị Phương còn kết nối, mang Tết ấm cho học sinh nghèo, tặng sách cho học sinh nghèo, sẻ chia gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Cứ mỗi lần thấy những hoàn cảnh khó khăn cười tươi, hạnh phúc khi được giúp đỡ, chị Phương thấy vui như thể đó là miềm vui của chính bản thân mình. Và đó cũng là động lực giúp chị gắn bó với công tác thiện nguyện suốt nhiều năm tháng qua.
"Sau mỗi lần giúp đỡ được người khác, lòng tôi rất vui, hạnh phúc và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi phần nào giải quyết được một phần khó khăn trong trong lúc họ hoạn nạn. Có tiếp xúc với nhiều mảnh đời bất hạnh, tôi thấy mình còn nay mắn hơn bao người vì còn trẻ, còn sức khoẻ và có một gia đình, công việc ổn định.
Sau những chuyến thiện nguyện, tôi mong muốn tìm ra một giải pháp bền vững, lâu dài để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh nhiều hơn, giúp họ vững tin vào tương lai, tại động lực để vượt qua khó khăn, nỗi đau trước mắt, vươn lên trong cuộc sống.
Với tôi, cho đi là còn mãi", chị Phương tâm sự.