Lớn lên ở làng trẻ em SOS, Lê Hoàng Phong (SN 1992) đã trở thành giáo viên tiếng Anh, người truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ.
Đêm giao thừa, Phong vượt quãng đường xa để trở về ngôi nhà xưa thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM. Anh ngồi bó gối ở góc nhà, bỗng chốc hoá thành đứa trẻ năm nào vẫn luôn nũng nịu quấn quanh mẹ Hạnh. Cả hai cứ rôm rả đến lúc Phong thiếp đi, mơ màng về câu chuyện ngày xưa.
Cuộc trò chuyện giữa Phong và PV diễn ra khi anh vẫn còn đang ở Mỹ cùng đoàn YSEALI (chương trình trao đổi dành cho những thủ lĩnh cộng đồng trẻ ưu tú từ các nước ASEAN).
Ít ai biết được rằng, chàng trai tự tin đứng thuyết trình trước bạn bè năm châu ấy từng là đứa trẻ mồ côi khi còn ẵm ngửa, từng về nhà với gương mặt bê bết máu vì lần nghịch ngợm, từng là nạn nhân bạo lực học đường, từng rớt đại học, từng là sinh viên loại kém... Bất kể khi nào anh bị nỗi tuyệt vọng nhấn chìm, đều có bàn tay mẹ Hạnh giang ra và ôm lấy anh.
"Mẹ Hạnh của con"
Một buổi sáng của năm 2010, Lê Hoàng Phong rời khỏi làng trẻ em SOS với xấp tài liệu trên tay. Nước mắt tự động chảy thành hàng khi đọc đến dòng chữ cha Lê Hoàng Thái (đã mất), mẹ Kiều Thị Vân (đã mất). Năm đó, Phong 18 tuổi, lần đầu biết được thông tin về cha mẹ mình. Phong thầm nghĩ, chắc hẳn cái tên Lê Hoàng Phong là món quà cuối cùng mà cha đã dành cho anh.
Mẹ mất khi mới sinh Phong được 23 ngày, trên anh còn một người anh trai bị mù. Tuy nhiên, Phong chẳng biết được anh trai còn sống hay đã mất. Phong kể, anh lớn lên bởi từng hộp sữa, cân đường của những nhà hảo tâm, trong tình thương vô bờ của bà Nguyễn Thị Hạnh (72 tuổi), tức "mẹ Hạnh". Chính bàn tay bà đã lau mát cho anh giữa cơn sốt hầm hập, xoa dầu khi anh đau bụng, nghe anh thở than về những vấp ngã đầu đời, chở che anh bằng sự hy sinh vô điều kiện.
Anh nhớ lại: "Tôi đã có một tuổi thơ êm đềm lẫn "dữ dội". Tôi còn nhớ có lần nghịch ngợm làm chiếc gương rơi vỡ tan tành, rớt vào mặt mày, mẹ là người túc trực bên ngoài chờ tôi khâu 10 mũi ở mắt, 15 mũi ở đầu. Có lần tôi đi hái khế ở nhà đối diện, quăng cục đá lên trời rồi bị rớt trúng người phải đi may lại, bà là bóng hình đầu tiên mà tôi thấy khi mở mắt ra. Tôi có "mẹ" như thế đó, một người phụ nữ không máu mủ, ruột rà.
Năm cấp 3, tôi từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Họ tìm đến tận làng trẻ mồ côi kiếm tôi, tôi bước ra gặp, họ cầm nón bảo hiểm đập túi bụi vào đầu. 18 tuổi, tôi rớt Đại học sau khi trải qua muôn vàn biến cố.
Nhiều người khuyên rằng hãy cho tôi đi học nghề sửa xe, >trang điểm, đầu bếp... Mẹ chỉ hỏi tôi vỏn vẹn: "Con có muốn thi lại không?". Tôi chần chừ rồi gật đầu cái rụp. Ngày hôm sau, bà lặn lội đạp xe mấy chục cây số lên Củ Chi mượn 1 chỉ vàng để tôi thi lại. Từ đó, tôi biết mình không thể làm phụ lòng bà được".
Khi rời khỏi làng SOS và bắt đầu tự lập, cuộc sống của Phong khó khăn vô cùng. Anh tự dò dẫm tìm nhà trọ, bị mất trộm đồ, bươn chải đủ nghề để tích luỹ tiền. Học kì đầu tiên tại Đại học Sư Phạm, Phong bị xếp loại kém.
Năm 2 Đại học, một người anh cùng ở làng trẻ em SOS với Phong năm xưa trúng số, mua được căn nhà nhỏ. Anh dời về sống cùng, đó là lần đầu tiên trong đời Phong có cảm giác "có phòng riêng". Anh lao vào học tiếng Anh rồi được nhận làm trợ lí phiên dịch cho các sự kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam.
Việc ngồi dịch ở cabin đã khiến trình độ của Phong tiến bộ nhanh chóng. Khép lại 4 năm Đại học, Phong nhận học bổng du học hệ Thạc sĩ nghành Quản lý giáo dục tại Malaysia.
Ấp ủ những ước mơ
Khi đang dở dang chương trình thạc sĩ, Phong biết đến Teach For Vietnam (thuộc mạng lưới Teach For All) hiện đang có mặt ở 60 quốc gia trên thế giới. Chương trình có định hướng cải thiện giáo dục, mở ra cơ hội phát triển cho tất cả trẻ em, đang tuyển giáo viên tiếng Anh ở Tây Ninh. Anh suy nghĩ rất lâu rồi quyết định trở về Việt Nam.
"Đó là sự lựa chọn đúng đắn nhất của tôi, tính đến thời điểm hiển tại", Phong nói. Những ngày đi dạy, Phong cảm thấy tâm hồn mình như được chữa lành khi thấy nụ cười trong trẻo của các học trò nhỏ, mở cho chúng một chân trời mới, giúp chúng bay bổng với những ước mơ của đời mình. Và hơn hết, Phong được dạy ở trường THCS Chà Là và THCS Bàu Đăng huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, nơi anh được sinh ra.
Phong tâm sự: "Có lúc, tôi nhìn thấy mái tóc điểm bạc của mẹ, tôi sợ cái ngày tôi không còn mẹ Hạnh trên đời lại đến gần. Vì thế, tôi luôn nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình đầy gian nan của mình. Tôi nhớ những lúc tất cả mọi người dường như quay lưng, dè bỉu, mẹ là người duy nhất đến cạnh và động viên: "Con làm được mà".
Những lần nằm viện bác sĩ hỏi "người nhà đâu", những lúc ngồi phi trường chuẩn bị rời Việt Nam, tôi luôn có mẹ Hạnh. Mẹ Hạnh của tôi từng là lính bộ đội cụ Hồ. Bà kiên cường, mạnh mẽ, đôi lúc kiệm lời nhưng sâu thẳm trong bà là một trái tim nhân hậu như thế đó".
Phong bé nhỏ của mẹ Hạnh năm nào đã trở thành giáo viên, founder của một doanh nghiệp xã hội nâng cao kĩ năng tiếng Anh cho thế hệ trẻ, tham dự vào những dự án mang tầm cỡ quốc tế. Đôi chân chạy quanh mẹ Hạnh ngày xưa đã đặt chân đến gần 20 quốc gia như Colombia, Nga, CH Czech, Slovakia, Áo, Mỹ...
Phong vào đời với những bài học mà mẹ trao, đã viết lời giới thiệu đầu tiên cho dự án của mình: "Xuất thân là trẻ mồ côi cả Cha lẫn Mẹ khi mới 24 ngày tuổi, tôi may mắn được Làng Trẻ Em SOS Gò Vấp, TP.HCM cưu mang, nuôi dưỡng và cho đi học tại trường Hermann Gmeiner. Tôi vô cùng biết ơn tình cảm của các bà Mẹ, bà Dì, những tấm lòng hảo tâm và đội ngũ Cô, Chú nhân viên giáo dục tại Làng trong suốt 22 năm ròng đã yêu thương chăm sóc, tận tâm dạy dỗ, trao cơ hội và thắp sáng niềm tin nơi tôi...."