Dù mới hơn 4 tuổi nhưng cậu bé Lê Nguyễn Bảo Chung (hay còn gọi là Bin, trú tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đọc Tiếng Anh như gió, khiến nhiều người kinh ngạc và được xem là một hiện tượng lạ so với bạn bè cùng lứa tuổi.
Biết nói tiếng Anh trước cả tiếng Việt
Tìm đến thôn Đông Văn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), khi hỏi về cậu bé nói Tiếng Anh như gió Lê Nguyễn Bảo Chung (tên ở nhà là Bin), thì nhiều người dân nơi đây ai cũng biết và tỏ vẻ trầm trồ thán phục cậu bé này.
Một số người dân địa phương cho PV biết: "Chúng tôi ở đây gọi cháu Chung là 'thần đồng tiếng Anh' bởi vì mới lúc vừa bắt đầu học nói cháu Chung đã nói tiếng Anh chứ không phải tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt”.
Tìm đến nhà của cháu Chung, người gặp chúng tôi đầu tiên không phải là bố mẹ cháu mà là cháu Chung với câu chào bằng tiếng Anh “Hello” rất tự tin.
Chị Lê Thị Liên (mẹ cháu Bin, tên ở nhà của Chung) kể lại: "Lúc cháu mới chưa đầy 2 tuổi, dù chưa biết nói nhưng Bin liên tục chỉ về phía tờ lịch treo tường và nói “Eleven” (số 11). Nghĩ rằng đó chỉ là câu học nói bập bẹ của một đứa trẻ nên tôi không để tâm cho đến khi bé liên tục nhắc lại.
Do nhiều lần cháu nhắc từ “Eleven” quá, nên tôi hỏi con gái lớn về từ ngữ này, tôi được biết đó là số 11. Quả thực, trên tờ lịch lúc đó cũng chính là ngày 11".
Chị Liên quá ngạc nhiên và chưa thể tin việc cậu con trai mình chưa biết nói Tiếng Việt lại đi nói tiếng Anh, chị Liên tiếp tục đưa những tờ lịch tiếp theo cho bé Bin.
Để rồi sau đó, người mẹ hết sức ngỡ ngàng khi bé lần lượt đọc thứ tự từ số 1 đến số 30 bằng tiếng Anh. Nhận thấy con có khả năng đặc biệt, chị Liên tìm mua bảng chữ cái bằng tiếng Anh và các tranh ảnh học ngoại ngữ dành cho lứa tuổi mầm non cho Bin học. Và chỉ trong thời gian ngắn Bin đã nói thông thạo bảng chữ cái, các con vật, số đếm, vật dụng gia đình bằng tiếng Anh.
Theo chị Liên thì, khi đứa trẻ bình thường bắt đầu bi bô tập nói thì chúng thường tập nói những từ như: Bà, bố hoặc mẹ… nhưng với cháu Bin thì cháu lại bắt đầu nói bằng thứ tiếng khác lạ. Lúc đầu tôi không biết thì cứ nghĩ cháu nói tiếng miền Nam chứ không phải tiếng Anh.
Clip cậu bé Bảo Chung đọc Tiếng Anh thành thạo.
Mừng vì con nói tiếng Anh giỏi thì ít nhưng lo lắng thì nhiều
Trò chuyện với PV, chị Liên không cầm được nước mắt xúc động chia sẻ với chúng tôi: Thấy cháu suốt ngày nói tiếng Anh nhưng bản thân tôi thì lại không biết tiếng Anh. Nhiều lần cháu Bin nói nhưng tôi không hiểu nên cháu có hành động chấn đầu vào tường. Lúc đó tôi bắt đầu lên mạng học tiếng Anh để trò chuyện với cháu.
“Do lo lắng về việc không có ai trò chuyện bằng tiếng Anh với cháu thì khiến cháu bực bội và sinh ra việc cháu sẻ bị tự kỷ. Tôi bắt đầu liên lạc với các trung tâm ngoài ngữ để cho cháu đi học nhưng chỉ mới được vài buổi thì cháu về nhà nói với tôi rằng, “con không muốn đến học vì các cô nói không đúng tiếng Anh”.
“Tôi có trò chuyện với các cô giáo dạy tiếng anh ở Trung tâm ngoại ngữ thì các cô cho rằng cháu quá giỏi tiếng Anh, chị nên gửi cháu ở những trung tâm lớn ở các thành phố thì cháu mới phát huy được”.
Chị Liên tiếp lời, thương con ở nhà không biết trò chuyện tiếng Anh với ai, tôi đã liên lạc với một Trung tâm tiếng Anh ở TP Vinh (Nghệ An) và đưa cháu ra đó.
Khi thầy dạy tiếng Anh (người Ngoại quốc) phát cho cháu bài thi trắc nghiệm với 49 câu hỏi thì cháu Bin trả lời chính xác cả 49 câu hỏi. Các thầy cô ở đây đều trầm trồ khen cháu, bảo đây là hiện tượng lạ, rất ít cháu có được khả năng đặc biệt này.
“Thế nhưng khi hỏi vấn đề học phí thì quá cao, một tháng nếu cháu đi học thì phải đóng đến 7 triệu đồng. Gia đình ở nông thôn, kiếm đâu ra số tiền đó để cháu đóng tiền?”, chị Liên trăn trở.
Vì vậy, những lúc tranh thủ thời gian rãnh rỗi, tôi lại mò mẩm máy tính học tiếng Anh để có thể nói chuyện với con vì lúc đó Bin chưa nói được tiếng Việt!
Sau một thời gian miệt mài học cùng con thì giờ chị Liên cũng có thể giao tiếp với con bằng vốn tiếng Anh ít ỏi và bé Bin cũng đã bắt đầu biết tiếng Việt từ đầu nằm 2018.
Khi được hỏi về định hướng tương lai cho Bin thì chị Liên và gia đình mong muốn cháu Bin được học trong môi trường phù hợp với khả năng của cháu và gia đình.