Để tiết kiệm chi phí, gần 30 cửu vạn, gồm cả nam và nữ, chấp nhận sống chung trong một phòng trọ nhỏ.
“Mọi thứ đều phải đánh đổi”, một cửu vạn chia sẻ khi chúng tôi đề cập đến mức thù lao không hề nhỏ từ việc họ bán sức lao động ở vùng biên.
Sự đánh đổi là họ kiếm được bạc triệu mỗi ngày nhưng chấp nhận sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu thốn đủ bề để dành tiền gửi về cho gia đình.
Họ cũng phải đối mặt với tai nạn, bệnh tật bởi công việc quá nặng nhọc.
Bên cạnh đó, không ít cửu vạn chia sẻ, việc kiếm tiền không hề dễ dàng. Những người muốn đến đây làm đều phải có sự giới thiệu, có được sự tin tưởng của chủ hàng, đồng nghĩa với việc không phải ai cũng có được thu nhập lớn trong công việc này.
Vì vậy, nhiều cửu vạn mang khát vọng đổi đời nhưng đã phải chấp nhận ra về khi không tìm được việc làm, không chịu được sự nặng nhọc sau từng cung đường.
Xóm trọ vùng biên
Cơn mưa rả rích cuối năm càng khiến cho xóm trọ của các cửu vạn ở vùng biên Tân Thanh, Lạng Sơn thêm hiu hắt. Tại một dãy trọ gồm khoảng 10 phòng, anh Hà (Bắc Giang) đang ngồi co ro trong tấm chăn cũ. Anh cho biết hôm nay trời mưa, chưa có hàng nên họ mới có thời gian nghỉ ngơi.
Phòng trọ của anh khoảng 15m2 dành cho 5 người ở. Đó là một căn phòng được xây tạm bợ, phía trên có lợp mái tôn. Phòng không có giường, các cửu vạn dùng những tấm phản kê trên mặt đất, trải tấm chiếu cũ lên để làm giường.
Cuối phòng trọ được sử dụng làm chỗ đun nấu. Khu vực bếp này gồm một chiếc bếp ga đơn và vài chiếc xoong. “Bình thường chúng tôi ăn cơm bụi khoảng 30 nghìn đồng/bữa.
Bếp này chỉ dùng để nấu mì tôm những lúc đi làm về đói bụng và đun nước nóng tắm rửa qua loa những ngày quá rét”, anh Hà nói.
Một góc phòng khác được tận dụng làm nơi treo quần áo. Phía dưới là nơi xếp ngổn ngang 4, 5 đôi giày màu xanh - giày chuyên dụng của các cửu vạn để vượt dốc, đèo. Căn phòng này được xem là “hạng sang” khi có một nhà vệ sinh trong phòng dù nhà vệ sinh này không có cửa.
Anh Hà chia sẻ thêm: “Phòng của chúng tôi có giá 1 triệu đồng/tháng. Tiền điện nước khoảng 300 nghìn/tháng. Chúng tôi ở thế cũng tương đối "sang" khi chỉ có 4 - 5 người, trong khi có những phòng khác ở đến vài chục người”.
Theo sự chỉ dẫn của anh Hà chúng tôi đến một xóm trọ gần đó. Đúng như lời anh Hà chia sẻ, căn phòng này rộng hơn với diện tích khoảng 30m2. Tuy nhiên ở đây khoảng hơn 20 con người đang sinh hoạt.
Được biết, vào thời gian cao điểm, phòng này là nơi ăn ở của khoảng 30 người gồm cả nam và nữ. Họ đều là những người cùng quê Sơn La vì quen biết nhau từ trước nên thuê chung phòng để tiết kiệm tiền.
Tại đây, vài phụ nữ đang rửa bát đĩa sau bữa cơm trưa tại một vòi nước dùng sinh hoạt chung phía trước cửa phòng.
Trong phòng, những người còn lại chia làm hai nhóm. Một nhóm đàn ông đang tranh thủ ngày mưa, ít việc để đánh bài. Nhóm phụ nữ còn lại trải chăn ngả lưng xuống giường tìm giấc ngủ trưa. Giường ở đây cũng là những tấm phản được xếp cạnh nhau thành dãy dài trên nền nhà.
Không có không gian riêng, họ chia căn phòng làm 2 nửa, một bên dành cho nam, một bên dành cho nữ ngủ.
Một nữ cửu vạn chia sẻ ở đây có 4 cặp là vợ chồng. Vì không có tiền nên họ chấp nhận cảnh sinh hoạt chung. "Nếu vợ chồng có nhu cầu thân mật, chúng tôi đành rủ nhau ra nhà nghỉ bình dân gần đó”, người này nhỏ giọng cho biết.
Ở một phòng trọ khác, nơi sinh hoạt của 5 người. Trong đó, một cửu vạn có vợ đi cùng. Các cửu vạn nam khác trải phản để ngủ dưới đất, cặp vợ chồng này may mắn được dành riêng một chiếc giường.
Giường ở đây cũng là những tấm phản nhưng được kê cao hơn các “giường” khác nhờ những viên gạch. Họ dùng một tấm vải che lại để có được sự riêng tư. Đây được xem là không gian hạnh phúc của cặp đôi.
Bỏ cuộc
Chị Triệu Thị Ngân (SN 1977, Phù Yên, Sơn La) theo chồng xuống đây làm cửu vạn mới hơn 1 tháng. Chị kể: “Năm vừa rồi Sơn La bị lũ lụt, hoa màu của gia đình tôi mất sạch.
Trong khi đó, một người họ hàng từng làm ở đây cho biết hàng tháng họ kiếm được ít nhất 10 triệu nhờ công việc bốc vác nên rủ chúng tôi xuống cùng”.
Tuy nhiên chị Ngân cùng chồng có khả năng phải về quê bởi họ không kiếm được việc. Nữ cửu vạn này chia sẻ, muốn làm được phải có người quen dẫn mối với cai cửu hoặc chủ hàng.
Các chủ hàng không dám giao hàng cho người lạ bởi họ sợ mất cắp và nhiều nguy cơ khác.
“Ít người gọi vác hàng trong khi đó, tiền nhà trọ, tiền ăn và các khoản chi phí... vẫn phải lo. Chúng tôi sẽ cố làm thêm vài tháng nữa, nếu không có việc đành phải về nhà”.
Cùng hoàn cảnh trên, bà Lợi (60 tuổi, dân tộc Dao, quê Sơn La) cho biết, việc cõng hàng tùy thuộc >sức khỏe của phu khuân vác. Các cửu vạn phải tranh giành hàng, chen lấn, xô đẩy mới 'cướp'' được nhiều.
Sức khỏe yếu nên bà không tranh được, đành đứng đợi ở ngoài. Còn thùng hàng nào chưa có người vác, bà nhận làm. Bà cho hay, lần đầu cõng hàng, chân run lẩy bẩy, không đi được nhưng bà vẫn cố gắng. Chuyến đó bà kiếm được 100 nghìn đồng, nghỉ 2 ngày vì ốm nên bà tiêu sạch.
Anh Thành (SN 1974, Thanh Hóa) cũng chia sẻ, cửu vạn không tránh khỏi tai nạn trên các cung đường. “Một đồng hương của tôi từng gặp sự cố khi vác hàng. Bao hàng đó rất nặng dù kích thước không lớn.
Người này chủ quan, nằng nặc đòi vác. Hai người khác khiêng lên và người này ghé vai vào. Khi người bạn buông tay, người này bị túi hàng đè ngã sụp xuống. Anh ấy bị trật khớp vai, nghỉ mất một thời gian”.
Bên cạnh đó nhiều cửu vạn cũng chia sẻ, họ bị suy giảm sức khỏe, bị các bệnh về xương khớp, cột sống sau nhiều năm bốc vác hàng.
"Một cái giá không hề rẻ", một cửu vạn nói với chúng tôi về nghề này.
* Tên các nhân vật đã được thay đổi