Hiện tại tình hình mưa lũ đang rất nghiêm trọng tại các tỉnh phía Bắc, người dân cần phải hết sức lưu tâm để bảo vệ bản thân và gia đình, để có thể ứng phó kịp thời.
Dưới đây là những điều bạn tuyệt đối không nên làm trong những ngày bão lũ vô cùng nghiêm trọng:
Tuyệt đối không tụ tập đông người nơi xảy ra sạt lở, ngập lụt
Theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, khi lũ dâng cao tại những nơi xung yếu, nước lũ chảy xiết nhưng vẫn có rất nhiều người có mặt để quay video, điều này là cực kỳ nguy hiểm. Bởi đa số người dân đến địa điểm sung yếu đó không có phương tiện bảo hộ, khi xảy ra sự cố như sạt lở, sụt lún nước dâng cao bất thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Do vậy, khi trời> mưa lũ, người dân tuyệt đối không đến những nơi nguy hiểm.
Không ra nơi nguy hiểm để bắt cá, vớt củi
Đây là thói quen rất thường gặp của người dân khi có lũ ở thượng nguồn đổ về, do vậy chính quyền địa phương các tỉnh xảy ra lũ lụt cảnh báo, người dân tuyệt đối không đánh bắt cá ở nơi nước tràn, không ra sông vớt củi. Ngoài ra, người dân không nên băng qua sông, qua suối bằng những phương tiện thô sơ hoặc bơi lội, điều này rất nguy hiểm dễ ảnh hưởng đến tính mạng.
Những nơi người dân không nên đến
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, khi xảy ra mưa lũ, một số địa điểm gần bờ sông, suối hay tại các nơi có nguy cơ sạt lở cao mọi người tuyệt đối tránh xa, di tản tài sản và con người theo hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Khi mưa lũ, người dân cũng hạn chế ra đường, hạn chế di chuyển tại các cây cầu bắc qua sông, nơi có dòng nước chảy xiết. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉnh theo sự phân luồng, điều tiết của lực lượng chức năng. Thực tế, trong đợt mưa lũ sau cơn bão số 3 Yagi, nhất là sau vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), nhiều cây cầu nơi có dòng nước lũ đang lên và chảy xiết cũng đã thực hiện cấm hoặc hạn chế các phương tiện qua lại.
Những cấp độ nguy hiểm khi lũ về
Theo quy định hiện hành, cấp báo động lũ được phân thành 3 cấp, căn cứ vào đặc điểm, độ lớn mực nước lũ và mức độ tác động của lũ lụt đến an toàn đê điều, bờ, bãi sông, công trình và dân sinh, kinh tế - xã hội trên khu vực.
Lũ về ở mức báo động người dân nên làm gì
Theo khuyến cáo, khi nước lũ ở mức báo động 1 và 2, người dân không nên quá lo lắng và hoảng loạn, cần cập nhật thông tin thời tiết hàng ngày và theo dõi thông tin hướng dẫn của chính quyền địa phương. Với mức báo động này, người dân chưa cần chạy ngay tài sản, mà chỉ cần lên kế hoạch nơi sơ tán an toàn nếu nước lũ lên mức báo động cao nhất.
Tuyệt đối không đi qua vùng nước ngập sâu hoặc dòng nước chảy xiết, ngay cả khi bạn nghĩ rằng nước không sâu. Dòng nước chảy xiết có thể cuốn trôi người, vật và phương tiện rất nhanh. Ngoài ra, nước lũ có thể chứa các chất độc hại và mảnh vụn nguy hiểm như kính vỡ, gỗ hoặc kim loại.
Nếu gặp tình huống nguy hiểm, hoặc đang bị cô lập do lũ, hãy tìm mọi cách liên hệ với cơ quan cứu hộ, lực lượng phòng chống thiên tai hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
Những vật dùng cần chuẩn bị khi lũ về
Theo tư vấn của các chuyên gia cứu hộ thiên tai, với lũ lụt, nhất là người thường xuyên ở vùng lũ thì việc chuẩn bị áo phao là điều vô cùng cần thiết. Trong điều kiện cấp bách, nước lũ lên cao cần tìm đến nơi cao và an toàn nhất. Cùng với đó, hãy mang theo đèn pin (hoặc điện thoại) và những đồ ăn khô, cùng nước uống đảm bảo.
Bởi khi đó sẽ không còn thời gian để mang hết tài sản, hay quần áo theo cùng. Việc cố gắng mang theo nhiều đồ đạc sẽ chỉ làm chậm và khó khăn hơn khi di chuyển. Khi đến điểm an toàn, hãy dùng điện thoại khi còn pin để gọi cứu hộ, nếu hết pin hãy dùng đèn pin ra tín hiệu cứu hộ với lực lượng chức năng.
Cần làm gì khi nước lũ dâng cao
Khi lũ dâng cao bạn cần cắt điện lập tức để tránh tình trạng chập điện hoặc điện giật khi nước ngập vào hệ thống điện. Nếu không thể ngắt điện, hãy đảm bảo rằng các nguồn điện đã được cách ly hoàn toàn với nước.
Sau khi ngắt nguồn điện, hãy tìm kiếm những vị trí cao và an toàn để trú ẩn. Nếu được yêu cầu sơ tán từ cơ quan chức năng, hãy tuân thủ ngay lập tức. Tránh xa các khu vực dễ bị ngập như ao hồ, suối, và khu vực có nguy cơ lũ quét.
Khi bị cô lập bạn hãy dùng những vật dụng dễ nhìn để ra tín hiệu với lực lượng cứu hộ.
Theo kinh nghiệm của những người đi cứu hộ, nên chuẩn bị hoặc tìm kiếm một tấm vải (kể cả lấy quần áo đang mặc) buộc lên cây sào dài hoặc gậy. Khi thấy hoặc nghe thấy tiếng cano/xuồng/ trực thăng… thì vừa gọi vừa vẫy sào, đồng thời sử dụng những đồ dùng phát ra tiếng động như nồi, xoong, chảo,... để thu hút sự chú ý của đội cứu hộ. Vào ban đêm có thể dùng đèn tin để nháy tín hiệu cầu cứu, không nên hò hét liên tục khiến cơ thể bị mất sức, kiệt quệ khi chờ đợi.
Khi nơi trú ẩn cuối cùng như mái nhà bị nước lũ dâng, không còn chỗ trú ẩn thì điều đầu tiên cần làm là phải bình tĩnh để xử lý vấn đề. Khi đó, mọi người cần tận dụng những vật dụng nổi có thể để bám víu trên mặt nước, đợi lực lượng cứu hộ tới giải cứu.
Tuyệt đối không tự ý bơi ra dòng nước lũ, vì thời điểm đó nước chảy xiết, rất dễ bị cuốn trôi, thậm chí là bơi giỏi cũng có thể bị chuột rút, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khi rơi xuống nước hãy bình tĩnh để cân bằng trong tâm, trọng lực cơ thể. Khi đó, hai lá phổi chứa không khí là trung tâm lực nổi, khi rơi xuống nước tuy trọng lực kéo xuống, nhưng nhờ buồng phổi chứa 6 – 8 lít không khí nên sẽ đẩy chúng ta về tư thế úp - tư thế của trọng lực nổi, giúp đầu người nổi gần sát mặt nước.
Khi ở dưới nước, trọng lượng sẽ giảm đi, nếu chìm ở ngang thắt lưng trọng lượng còn 50%, chìm tới cổ trọng lượng mất 90%. Chìm trong nước càng sâu thì càng nổi, không nặng như trên mặt nước. Nghĩa là khi rơi xuống nước ở độ cao nhất định thì nước sẽ đẩy con người lên trên mặt nước, chứ không dìm xuống. Do vậy, khi rơi xuống nước mọi người cần bình tĩnh xử lý tình huống để cứu tính mạng mình.
Hãy ghi nhớ ngay những điều này và truyền tai cho những người thân xung quanh để có thể ứng phó kịp thời trong tình hình bão lũ hiện tại nhé!