Thời gian gần đây, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở một số vùng ven đô, ngoại thành Hà Nội. Điều đáng nói, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội lại là những người thân, hàng xóm, hay những đối tượng còn rất trẻ tuổi.
Tình trạng trẻ em bị xâm hại có dấu hiệu phức tạp
Theo thống kê sơ bộ của Công an huyện Ba Vì, Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra khoảng 10 vụ giao cấu, dâm ô và hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Có những bị hại trong vụ án quan hệ với đối tượng xuất phát từ việc quen nhau qua mạng xã hội, và có những bị hại bị hàng xóm, người thân xâm hại.
Hệ luỵ từ những mối tình qua mạng xã hội
Quen nhau qua mạng xã hội, Phùng Thị H (SN 2002, trú tại huyện Ba Vì) và Trần Việt Anh (SN 1999, trú ở xã Sơn Đà, huyện Ba Vì), chỉ sau một thời gian ngắn đã nảy sinh tình cảm.
Ngày 30-5-2018, Việt Anh và H cùng nhóm bạn đi chơi. Trước những lời tán tỉnh của Việt Anh, H không làm chủ bản thân và có những quan hệ tình cảm đi quá giới hạn. Sau khi sự việc xảy ra, H đành kể lại sự việc trên với người thân. Ngay sau đó, bố mẹ H đã làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Trần Việt Anh đến cơ quan Công an.
Một trường hợp khác, Phùng Văn Khoa (SN 1998, trú ở xã Đồng Thái, Ba Vì) quen em Nguyễn Thị Q (SN 2003) nhau qua mạng xã hội. Liên tiếp trong các ngày từ 26 đến 28-5-2018, Q và Khoa đã vào một nhà nghỉ trên địa bàn huyện, thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Sau khi gia đình Q biết sự việc đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Không những chỉ đơn giản là những vụ giao cấu xuất phát từ tình cảm yêu đương, nhận thức chưa đầy đủ của những cặp đôi tuổi “teen” để rồi đẩy người bạn của mình vào "thế khó", mà ngay chính những người thân hay hàng xóm của bị hại cũng "gặp nạn".
Mới đây, người dân xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì không khỏi bất ngờ khi câu chuyện đồi bại liên quan đến Nguyễn Văn Sản (SN 1951) lan truyền rộng rãi sau khi làm bậy với cháu bé đáng tuổi cháu mình. Vụ việc xảy ra ngày 9-4-2018; khi cháu Nguyễn (SN 2005), đến nhà Sản chơi. Thấy cô bé phổng phao, nhân lúc vắng người, Sản nảy sinh ý định dâm ô với bé Nguyễn.
Vừa dụ dỗ cho tiền để bé Nguyễn M mua bim bim, Sản dọa dẫm rồi thực hiện hành vi dâm ô với cháu bé. Về sau, nhận thấy cháu Nguyễn có nhiều biểu hiện khác thường, được người thân gặng hỏi, cô bé đã kể lại sự tình.
Nói về các vụ án >xâm hại tình dục trẻ em xảy gia trên địa bàn trong thời gian qua, Thượng tá Ngô Tiến Bắc, Phó trưởng CAH Ba Vì cho biết, qua các vụ án cho thấy, các bị hại chủ yếu ở độ tuổi dưới 16 tuổi, trong khi đó đối tượng phạm tội có độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.
Nạn nhân bị xâm hại thông qua các mối quan hệ từ mạng xã hội (zalo, facebook) cho đến mối quan hệ hàng xóm láng giềng, thậm chí là bố dượng lợi dụng lúc mẹ, người nhà đi làm vắng, đi làm xa để vi phạm.
Đánh giá về nguyên nhân phát sinh tội phạm, Thượng tá Ngô Tiến Bắc cho rằng, việc đầu tiên là do nhận thức của nạn nhân còn lạc hậu.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Qua điều tra cho thấy, các nạn nhân ở tuổi dậy thì, lớn trước tuổi và thường có những nhận thức lệch lạc, không hiểu biết pháp luật, thông qua mạng xã hội xem phim sex và những văn hoá phẩm không lành mạnh… rồi học đòi, bắt trước. Đôi khi nạn nhân lại là người chủ động, vô tình đưa đẩy bạn mình đến việc vi phạm.
Mặt khác, do ngày càng phát triển, >đời sống người dân được nâng lên, nhận thức pháp luật của người lớn cũng được nâng cao, họ ý thức được tầm quan trọng của việc tố giác tội phạm. Chính vì vậy, nhiều vụ án đã được người dân mạnh dạn tố giác, vượt qua dào cản ngại ngần, hoặc xấu hổ mang tính cổ hủ không như trước kia.
“Đặc biệt, Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 có hiệu lực đã thể chế hoá cụ thể hành vi phạm tội cũng như chế tài xử lý hành vi >xâm hại tình dục trẻ em. Cụ thể, về các tội xâm hại tình dục với người chưa thành niên với các nhóm độ tuổi cụ thể (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, dưới 13 tuổi) gồm: tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm, tội dâm ô, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm... Đây là các tội phạm có tính nguy hiểm trong xã hội, xâm phạm đến tính mạng, >sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của các em, không phân biệt nam hay nữ, khung hình phạt đối với các tội này rất nghiêm khắc. Do vậy, khi áp dụng vào thực tiễn mang tính khả quan, hiệu quả cao”, Thượng tá Ngô Tiến Bắc nói.
Để tránh rơi vào những tình cảnh đáng tiếc xảy ra như trên, Trung tá Hà Huy Bình, Đội trưởng Đội CSHS – CAH Ba Vì cũng đưa ra cảnh báo, để hạn chế tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng có liên quan. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền những kiến thức cơ bản về giới tính, kỹ năng tự bảo vệ mình. Đặc biệt là những gia đình có con mới lớn cần chú ý quan tâm đến con hơn. Không để con đi chơi hay một mình những nơi vắng vẻ, lúc đêm tối; khi gặp kẻ có ý đồ xâm hại tình dục phải biết cách từ chối, kêu to hoặc bỏ chạy; khi bị xâm hại, kể lại với người lớn đáng tin cậy để được giúp đỡ; mạnh dạn tố cáo để nghiêm trị tội phạm...
Khi sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân cần phải tố giác tội phạm để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, truy tố, xét xử kịp thời. Bởi các vụ án xâm hại tình dục trẻ em nếu để lâu ngày mới tố giác khiến cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ của cơ quan điều tra mất rất nhiều thời gian, gặp nhiều khó khăn. Nhiều vụ án xảy ra hiện trường là đồi núi, hoặc tại nhà riêng của đối tượng không còn nguyên vẹn, ít nhân chứng, người liên quan biết đến việc này… Đối với nạn nhân tuổi còn nhỏ cần có người trợ giúp pháp lý
“Một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giới tính, truyên truyền cho người dân nắm được những nội dung quy định cụ thể về độ tuổi, điều kiện đăng ký kết hôn cũng như những hình thức xử phạt khi vi phạm những quy định đó. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xâm phạm tình dục trẻ em”, Trung tá Hà Huy Bình nhấn mạnh.