Chiêu trò chuyển đổi Sim điện thoại 3g, 4g hết sức tinh vi, đã được cảnh báo rất nhiều trong thời gian gần đây, nhưng số người sập bẫy và mất toàn bộ tiền trong ngân hàng ngày càng nhiều.

Ngọt Nhi (t/h) 07:00 03/01/2022

Theo Thanh Niên thông tin, Chị G.K (Q.1, TP.HCM) kể, chị nhận được một cuộc điện thoại từ số 028 99991xxx, một bạn nữ tự xưng là nhân viên MobiFone. Người này giới thiệu sẽ giúp chị chuyển SIM từ 3G lên 4G rồi đọc số CMND và ngày tháng năm sinh của chị G.K. Do đang bận nên chị G.K đồng ý. Người này yêu cầu chị G.K đọc OTP, lúc này chị G.K cũng nghi ngờ lừa đảo và không đọc. Để thuyết phục, nữ nhân viên nói “tin nhắn từ Mymobifone thì sao lừa được ạ, với OTP này không liên quan gì tới ngân hàng, chỉ là nâng cấp SIM điện thoại”. Người nhà chị G.K cũng can nhưng chị lại chủ quan vì nghĩ người kia đọc đúng thông tin của mình nên chắc là người của Mymobifone. Nếu có bị lừa thì mất vài chục ngàn trong card điện thoại nên đã đọc mã OTP.

Sau khi đọc xong mã OTP, điện thoại chị G.K hoàn toàn không sử dụng được. Cứ nghĩ bị mất hết tiền điện thoại nên không gọi được, chị G.K nạp 50.000 đồng vào điện thoại để gọi cho MobiFone xem thế nào. Tuy nhiên, nạp rồi vẫn không gọi được và lúc đó chị G.K mới phát hiện ra là bọn lừa đảo đã cướp số điện thoại mình, chuyển thành eSIM rồi toàn quyền sử dụng. Sợ bọn lừa đảo sẽ dùng điện thoại của mình để mạo danh đi lừa người thân bạn bè, chị G.K lấy điện thoại người nhà điện cho MobiFone để khóa số điện thoại, khóa chiều đi và đến cả tin nhắn và cuộc gọi. Sau đó ra MobiFone để lấy lại số điện thoại của mình.

Nhưng sự việc không đơn giản như chị G.K nghĩ. Trong vòng 10 phút cướp số điện thoại của chị G.K, chúng đã thực hiện thay đổi mật khẩu email cá nhân của người phụ nữ này bằng cách bấm quên mật khẩu và kích hoạt mật khẩu mới qua điện thoại. Do có quyền kiểm soát cả email và điện thoại, chúng tiếp tục truy cập vào tài khoản ngân hàng điện tử, bấm quên mật khẩu (password) và đổi mới thông qua email, điện thoại và thông tin cá nhân gồm số CMND và ngày tháng năm sinh. Sau đó, chúng chuyển hết tiền trong tài khoản của chị G.K cho tài khoản ở các ngân hàng khác.


Ảnh minh họa: nguồn Internet

Sau 30 phút lấy được số điện thoại tại quầy MobiFone, chị G.K gọi cho ngân hàng và phát hiện mất hết toàn bộ số tiền trong tài khoản nhưng thẻ tín dụng chúng chưa đụng đến nên thực hiện khóa thẻ. Sau khi trình báo công an và ngân hàng hỗ trợ phong tỏa 3 tài khoản kia, chị G.K mới biết 3 tài khoản đều còn 0 đồng. Khả năng lấy lại tiền của chị G.K là 0% vì theo cơ quan công an 99% khả năng CMND của 3 tài khoản trên là của người vô tội khi tài khoản được mở online. Chị G.K cho rằng: “Mình coi như mất trọn tháng lương đầu tiên ở công ty mới (chị G.K làm việc ở công ty nước ngoài - PV). Đến giờ vẫn còn thẫn thờ vì cảm thấy không thể tin được mình lại dễ dàng tin người như vậy và chia sẻ OTP cho người lạ chưa qua kiểm chứng. Nhóm lừa đảo quá tinh vi, chúng đã nắm được các thông tin của mình trước khi điện thoại. Theo cơ quan công an trong 2 tuần gần đây có nhiều vụ xảy ra tương tự nên mọi người hãy cảnh giác chiêu thức lừa đảo này”.
Theo Báo Chính Phủ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo hiện tượng nhiều người tiêu dùng bất đắc dĩ mang nợ chục triệu đồng bởi các chiêu thức giả mạo nhà mạng viễn thông, nhắn tin hướng dẫn nâng cấp sim 4G để lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của người tiêu dùng.

Các chiêu thức lừa đảo tinh vi như vậy không chỉ xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh mà người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước như Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… cũng phản ánh thực trạng tương tự.

Khuyến cáo người tiêu dùng

Nhằm tránh sa bẫy của những kẻ lừa đảo, người tiêu dùng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng tránh, ngăn ngừa dưới đây:

- Kiểm tra thông tin, không truy cập các đường dẫn lạ: Khi nhận được tin nhắn hay thư điện tử có chứa đường dẫn lạ, người tiêu dùng không nên vội vàng truy cập hoặc nhấp vào đường dẫn đó. Đối tượng lừa đảo thường tạo ra các website có tên miền gần giống với tên website của các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín nhằm cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
- Người tiêu dùng cần tìm hiểu thêm thông tin trên website chính thức của các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức tín dụng, ngân hàng… thông qua các công cụ tìm kiếm của bên thứ ba như Google, Bing…, sử dụng các thông tin liên lạc (chẳng hạn, gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng; đường dây nóng…) được cung cấp trên website chính thức đó để kiểm chứng, xác thực thông tin.
- Tăng cường bảo mật cho SIM điện thoại: Đối với những số điện thoại được người tiêu dùng sử dụng để xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng trực tuyến, ví điện tử…, để giảm thiểu rủi ro bị rút tiền từ các tài khoản ngân hàng, tín dụng, ví điện tử… trong trường hợp sim, quyền kiểm soát sim hoặc điện thoại bị mất, người tiêu dùng cần tăng cường bảo mật cho sim điện thoại của mình, có thể bằng cách cài đặt mã PIN cho sim điện thoại theo hướng dẫn của các doanh nghiệp viễn thông.
- Sử dụng các ứng dụng xác thực: Thay vì phương thức xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng, ví điện tử… thông qua tin nhắn điện thoại (SMS), người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng xác thực khác như Google Authenticator hay Authy nhằm ngăn ngừa việc bị chiếm đoạt tiền khi bị mất quyền kiểm soát sim theo chiêu trò hoán đổi thẻ sim nêu trên.
- Khóa thẻ sim ngay khi phát hiện bị vô hiệu hóa: Ngay khi phát hiện thẻ sim trên máy điện thoại của mình bị vô hiệu hóa, nghi ngờ do bị chiếm đoạt quyền kiểm soát sim, người tiêu dùng nên liên hệ ngay với tổng đài của nhà mạng để yêu cầu khóa thẻ sim nhằm ngăn ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro kẻ gian sử dụng quyền kiểm soát sim, nhận mã OTP hòng chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng thông qua các giao dịch trực tuyến, thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Ngọt Nhi (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe