Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cảnh báo về thủ đoạn, mạo danh cơ quan, nhân viên BHXH trên các trang mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của người dân tại TP Hồ Chí Minh.

Thanh Ngân 09:54 23/08/2022

Theo Thanh Niên, vào ngày 22/8, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM phát cảnh báo, có đối tượng mạo danh cơ quan BHXH, lập các fanpage trên mạng xã hội Facebook với mục đích chiếm đoạt tài sản của người lao động.

Tin nhắn mạo danh BHXH Việt Nam để lừa tiền của người lao động (Ảnh: Thanh Niên)

Cụ thể, vừa qua, BHXH huyện Cần Giờ (TP.HCM) cho hay đã nhận được thông tin phản ánh của chị T. (cư ngụ trên địa bàn) bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 800.000 đồng từ một kẻ giả danh nhân viên cơ quan BHXH trên mạng xã hội Facebook.

Thông tin từ Thanh Niên được biết, chị T. nghe thông tin đóng BHXH sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thai sản. Tuy nhiên chị T. không biết rõ quy định phải đóng đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh mới được hưởng chế độ này. Chị T. đến BHXH (H.Cần Giờ) để hỏi về chế độ trợ cấp thai sản. Chuyên viên BHXH (H.Cần Giờ) giải thích trường hợp chị không đủ điều kiện hưởng, do chị có bầu và sinh con sau khi nghỉ việc hơn một năm. Tuy nhiên, chị T. vẫn cho rằng mình còn khoản tiền trợ cấp thai sản đã quá thời hạn mà chưa rút.

Nhiều trang Facebook giả mạo hỗ trợ, dịch vụ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.., nhằm lừa đảo người dân. (Ảnh: Thanh Niên)

Trong quá trình truy cập ứng dụng Facebook, chị T. thấy có trang Bảo hiểm Việt Nam cùng dòng chữ:

“Cung cấp dịch vụ Giải ngân trước hạn.

1. Làm lại sổ BHXH.

2. Hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn”.

Do đang có nhu cầu tìm hiểu và giải quyết chế độ hồ sơ quá hạn BHXH, nên chị T đã kích vào mục “Gửi tin nhắn” để tìm hiểu và nhận được tin nhắn qua ứng dụng Messenger với nội dung liên hệ với chuyên gia về bảo hiểm để được tư vấn qua Zalo.

Nhận được tin nhắn trên, chị T đã chủ động kết bạn với tài khoản Zalo tên "Lương Uyên", người này đồng ý kết bạn, tự giới thiệu là chuyên viên của >BHXH Việt Nam và yêu cầu chị T cung cấp thông tin cá nhân, chụp hình căn cước công dân và tài khoản ngân hàng để chuyển tiền giải quyết chế độ cho chị T là 17.706.000 đồng, với số lần giải ngân là 5 lần.

Mỗi lần giải ngân chị T phải chuyển khoản cho chuyên viên BHXH giả này số tiền là 820.000 đồng, được gọi là phí giải quyết hồ sơ vào số tài khoản mà "chuyên viên" này cung cấp.

Khi đã chuyển tiền lần giải ngân thứ nhất qua ứng dụng Banking, khoảng 10 phút sau chị T nhận được tin nhắn yêu cầu chị kiểm tra lại thông tin cá nhân của mình để "chuyên viên" đó chuyển tiền giải ngân vào tài khoản cho chị. Xác nhận các thông tin đã đúng, chuyên viên giả này tiếp tục yêu cầu chị T chuyển thêm vào tài khoản đã cung cấp trước đó 4 lần số tiền 820.000 đồng để được nhận đủ tiền trong ngày.

Thấy khả nghi, nên chiều cùng ngày chị T tìm đến cơ quan BHXH huyện Cần Giờ nhờ tư vấn và biết mình đã bị lừa.

Cảnh báo tình trạng mạo danh Cơ quan BHXH để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Thanh Niên)

BHXH TP. HCM đã  khuyến cáo người lao động nên trực tiếp đến trụ sở cơ quan BHXH nơi gần nhất hoặc gửi hồ sơ trực tuyến thông qua trang web dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn hay ứng dụng VssID trên điện thoại, không nên tìm tới các dịch vụ trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền cho các đối tượng tự xưng là người của cơ quan BHXH.

Theo đó, hiện nay, mọi hồ sơ, thủ tục đều được thực hiện theo đúng quy trình một cửa, một cửa liên thông, nếu hồ sơ chưa được tiếp nhận, sẽ không thể được giải quyết, mọi dịch vụ làm hồ sơ trái quy định đều không hợp lệ và phải hủy bỏ hoặc thu hồi nếu bị phát hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người lao động có thể báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo cho cơ quan BHXH để được tư vấn, giải đáp kịp thời.

Thanh Ngân | Theo Phụ nữ sức khỏe