Dự báo, thời kỳ từ khoảng tháng 9-11/2024, trạng thái La Nina có thể xuất hiện với xác suất 60-70%.
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, Biển Đông có thể đón 8 - 10 cơn >bão từ tháng 9 đến tháng 11: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính. Dự báo, thời kỳ này, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 70%.
Trong trạng thái La Nina, trên khu vực Biển Đông khả năng sẽ đón số lượng bão, áp thấp nhiệt đới nhiều hơn (TBNN).
Dự báo cụ thể hơn thời tiết trong giai đoạn cuối năm nay, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khi khí quyển đại dương chuyển trạng thái nhanh từ nóng sang lạnh sẽ là yếu tố bất lợi có thể gây ra hệ quả thời tiết xấu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
La Nina có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm. Từ nay đến hết năm 2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 8 - 10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Trong đó có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nguy cơ tác động đến hoạt động tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản ven biển.
Theo ông Khiêm, từ nay đến hết tháng 9 là mùa mưa lũ chính ở Bắc bộ nên vẫn phải đối mặt với các đợt mưa lớn, hệ quả nguy cơ gắn liền là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi nên cần phải cảnh giác ở mức cao. Tình hình mưa, bão ở Trung bộ, khả năng diễn biến sẽ có nhiều phức tạp.
"Đặc biệt, nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt, và ngập lụt đô thị. Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, đặc biệt ở các vùng núi cao nơi có tính chất đất không ổn định. Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng giông lốc cả trên đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội", ông Khiêm nói.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong: Áp thấp nhiệt đới hình thành và hoạt động trên Biển Đông trong thời gian từ 13-16/7 đã hướng về đất liền các tỉnh miền Trung, thay vì các tỉnh miền Bắc hay đi lên Trung Quốc như quy luật khí hậu thường thấy.
Cơn bão số 2 hoạt động trên Biển Đông trong thời gian từ ngày 19-23/7, bão có diễn biến dị thường khi suy yếu trên đảo Hải Nam rồi nhanh chóng mạnh trở lại ở vịnh Bắc Bộ. Thời điểm mạnh nhất, bão đạt cấp 10, giật cấp 12.
Sáng sớm ngày 23/7, sau khi di chuyển vào vùng biển ven bờ khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng, cường độ bão giảm nhanh xuống cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Trên đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng ghi nhận gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10. Mưa lớn kỷ lục đã bao trùm khắp các tỉnh miền Bắc sau khi bão số 2 quét qua, gây ngập lụt nghiêm trọng ở một số địa phương như Điện Biên, Hà Nội.