Trong những tình huống đánh ghen vì không kiềm chế được bản thân mình, đánh ghen để thỏa mãn cơn nóng giận và những bực tức trong người, những chị em phụ nữ phải gánh chịu khá nhiều hậu quả, thậm chí có liên quan đến pháp luật.
Theo đó, hành vi >đánh ghen xảy ra theo chiều hướng tiêu cực có thể vô tình khiến người trong cuộc biến thành người vi phạm pháp luật khi không thể kìm chế cảm xúc và cơn thịnh nộ của bản thân.
Theo thông tin từ Báo VietNamNet vụ người phụ nữ ở >Thanh Hóa đánh ghen do nghi ngờ chồng có ‘tiểu tam’ hiện đang là chủ đề nóng của nhiều hội chị em trên mạng xã hội. Đây được xem là một trong những vụ đánh ghen kinh hoàng tương tự như nhiều vụ việc từng xảy ra trước đó như: lột quần áo, xát ớt vào vùng kín, đổ chất thải lên người, cắt tóc, đánh hội đồng…
Cụ thể, trong sự việc diễn ra lần này, một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một người phụ nữ trèo lên chiếc xe ô tô rồi dùng chân đạp vỡ kính xe, sau đó mở cửa xe túm tóc và đánh một cô gái (được cho là nhân tình của chồng). Ngoài ra, khi cô gái cố thủ ngồi trong ôtô thì bị cắn đứt mất một phần tai bên trái. Nhiều người chứng kiến sự việc đã không khỏi hoảng sợ, can ngăn hành vi từ người vợ, sự việc sau đó mới được dừng lại và người phụ nữ buộc phải đến công an đầu thú.
Theo luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ trên Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những kiểu đánh ghen như thế có thể bị pháp luật chế tài về hành chính hoặc trách nhiệm hình sự nghiêm trọng. Hiện, người phụ nữ phải đối mặt với 3 tội danh:
Thứ nhất là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản
Thứ hai là hành vi cố ý gây thương tích
Thứ ba là hành vi gây rối trật tự nơi công cộng.
Trong đó, tội nặng nhất có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phạt tiền đến 50 triệu đồng, phạt tù đến 7 năm khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự đằng sau những nỗi uất ức của các bà vợ với ông chồng có hành vi mập mờ với nhân tình.
Trong vụ việc lần này, có thể thấy người vợ đánh ghen phải chịu hậu quả rất nặng nề.
Cũng theo luật sư, người phụ nữ hoàn toàn có thể hành động ‘ghen’ đúng pháp luật. Cụ thể, tại Điều 59 Nghị định 82/2020 pháp luật quy định rất rõ, người đang có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ,... sẽ bị phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng.
Nạn nhân có thể thu thập chứng cứ chính xác chứng minh quan hệ ngoại tình của vợ hoặc chồng với tình nhân để khởi kiện đối phương. Từ cơ sở đó, tố cáo đến các cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hậu quả gây ra do hành vi ngoại tình mà đối phương có thể bị xử lý theo mức phạt tương ứng.
Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn thì có thể xử lý hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 1 năm theo Điều 182 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trong một số trường hợp, nạn nhân có thể được hưởng lợi khi chia tài sản chung. Bởi theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là một trong các yếu tố được xem xét để chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.