Suốt những ngày thơ ấu, chị em cầu thủ Phạm Xuân Mạnh phải sống trong căn nhà nhỏ xập xệ, nằm xa tít trên đồi. Một miếng thịt ngon đối với họ là điều hết sức xa xỉ.
Sinh ra ở một miền quê nghèo, gia đình Xuân Mạnh cũng như những hộ dân khác trong vùng chủ yếu theo nghề nông. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng từ nhỏ Xuân Mạnh đã cháy bỏng ước mơ được đá bóng.
Theo lời kể của chị Phạm Thị Mai (sinh năm 1993, chị gái của Mạnh), từ nhiều năm trước ba của chị bị chứng đau nửa đầu nên chỉ ở nhà lo việc nhà cửa, đồng ruộng. Chưa kể, ông còn bị nặng tai không thể nghe rõ người xung quanh nói gì. Vì không có tiền đến bệnh viện điều trị nên ông đành mua thuốc tự uống ở nhà.
Trong ngôi nhà xập xệ nằm heo hút trên ngọn đồi vắng, mọi vật dụng trong nhà đều sơ sài, cũ kỹ. Lúc nhỏ, góc học tập của chị em Mạnh được đặt cạnh góc bếp. Bữa cơm của cả gia đình thường chỉ có món dưa nấu với cua, cá bắt được ở đồng. Thỉnh thoảng gia đình mới mua được một ít thịt vụn ở chợ. Dù thịt ít, mỡ nhiều nhưng đó vẫn là bữa tiệc vô cùng xa xỉ với gia đình Xuân Mạnh lúc bấy giờ.
“Tết đến, mẹ mua đường về làm gia vị, mấy chị em phải lén bố mẹ chấm đầu ngón tay vào bát đường để cảm nhận vị ngọt. Tuy nhiên biết hoàn cảnh gia đình, ba chị em tôi không bao giờ dám đòi hỏi gì hơn”, chị Mai nghẹn ngào kể.
Có cái ăn đã khó thì chuyện có quần áo mới của ba chị em vào những ngày Tết càng xa xỉ hơn.
Gia cảnh khó khăn không dập tắt được ước mơ theo nghiệp quần đùi áo số của Xuân Mạnh. Theo lời kể của gia đình, con đường đến với quả bóng tròn của Xuân Mạnh vô cùng gian nan. Mạnh là con út trong gia đình có ba chị em, cũng là con trai duy nhất. Vì thế, mỗi khi đến mùa lúa, Mạnh phải ra đồng phụ ba mẹ.
Ông Phạm Xuân Linh (sinh năm 1964, ba của Xuân Mạnh) nhớ lại khoảng thời gian Xuân Mạnh được mời xuống TP Vinh để dự thi tuyển vào CLB Sông Lam Nghệ An. Lần đầu tiên con trai phải sống xa nhà, ông Linh không khỏi lo lắng và thương con vì cậu bé thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác rất nhiều: “Chúng tôi gom góp được 250 nghìn đồng để vợ tôi đưa con xuống thành phố ở trong 3 ngày, chờ đến lượt thi tuyển. Vợ tôi kể lại, xuống thành phố, tiền ăn uống, thuê trọ tốn kém đến buổi cuối cùng số tiền trên hết sạch. Trong túi hành lí của 2 mẹ con chỉ còn gói mì tôm. Mạnh dù nhỏ tuổi nhưng đã biết nhường mẹ. Mẹ thì thương con nên bảo: Con ăn để có sức chiều mà thi cho tốt”. May mắn là sau đó đã có một người hảo tâm thanh toán tiền phòng trọ cho mẹ con Mạnh. Nghe đến đây, ai nấy đều không cầm được nước mắt.
Sau đó, Mạnh được nhận vào lò đào tạo chuyên nghiệp ở CLB Sông Lam Nghệ An. Dù đã chạm đến được ước mơ nhưng cuộc sống của Xuân Mạnh vẫn vô cùng khó khăn. Ông Linh kể thêm trên Vietnamnet: “Một lần nhận được 140 nghìn đồng tiền hỗ trợ từ CLB dành cho các cầu thủ, không hiểu vì lý do gì mà Mạnh làm mất. Con không dám nói với chúng tôi, cứ khóc qua điện thoại. Lúc đó tôi thương con lắm…”.
Sau khi cùng đồng đội làm nên lịch sử ở vòng chung kết U23 châu Á, Xuân Mạnh rất vui vì có tiền cho bố mẹ trả nợ, sửa sang nhà cửa.