Nhiều cán bộ Phòng giáo dục tại Nghệ An bị đối tượng xấu “khủng bố” hàng nghìn cuộc gọi mỗi ngày vì lý do không ngờ đến.

Minh Thư 16:40 17/02/2023

Thông tin với Gia đình Việt Nam trưa nay 17/2, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn (Nghệ An), ông Lê Trung Sơn cho hay, ông đã có đơn cầu cứu công an sở tại sau khi trải qua chuỗi ngày bị các đối tượng lạ mặt “khủng bố” bằng cả nghìn cuộc điện thoại để đòi món nợ… từ trên trời rơi xuống.

“Nhiều người trong cơ quan cũng cùng chung cảnh ngộ, bị đòi số tiền bản thân không hề vay. 1.000 cuộc điện thoại mỗi ngày, trung bình cứ mỗi phút 1 cuộc, liên tục vậy, thật kinh khủng” - ông Sơn nói.

Vị Trưởng phòng cũng cho hay, những cuộc gọi quấy rối bắt đầu từ ngày 12/2.

"Đầu tiên là giọng miền Nam từ một người đàn ông gọi đến xác nhận. Khi chính xác danh tính, người này nói Hiệu phó một trường mầm non tại địa bàn tên T. có vay tiền họ chưa trả, yêu cầu tôi phải…có trách nhiệm. Thấy vô lý, tôi nói sẽ nhắc nhở cấp dưới, còn việc nợ nần là giao dịch dân sự của mỗi cá nhân. Ngay lập tức họ nói tôi bao che, rồi chửi bới bằng ngôn từ rất thiếu văn hoá" - ông Sơn bức xúc.

Nhiều giáo viên tại Nam Đàn bị khủng bố cả nghìn cuộc gọi mỗi ngày bởi những khoản nợ không hề vay

Sau màn “chào hỏi”, chuỗi ngày “hành hạ” khổ chủ của những vị khách lạ bắt đầu. Vị trưởng phòng cùng nhiều cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn mỗi ngày nhận hàng nghìn cuộc gọi từ đầu số 058 chửi bới, doạ nạt.

"Họ dùng hàng trăm số điện thoại khác nhau, gọi liên tục ngày đêm không nghỉ. Có thời điểm chỉ trong vòng 1 tiếng ngắn ngủi đã đón nhận gần 300 cuộc gọi nhỡ, thực sự chặn không xuể" - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn nhớ lại.

Ngành giáo dục địa phương sau đó đã vào cuộc và xác minh, cô hiệu phó trường mầm non là chủ nhân khoản vay 40 triệu đồng của một công ty tài chính. Thời hạn vay 2 năm, trả được hơn 1 năm thì cô giáo không còn khả năng chi trả, đành đứt quãng.

Sự việc nhiều giáo viên dù không vay tiền vẫn bị… đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” không phải lần đầu xuất hiện tại Nghệ An.

Dù không vay tiền, nhiều giáo viên vẫn bị kẻ xấu tung hình ảnh lên mạng xã hội gây áp lực

Trước đó, tháng 5/2022, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, hiệu trưởng nhiều trường học cùng hàng loạt thầy cô giáo bị gọi điện chửi bới, đe doạ dù không liên quan đến khoản vay tín chấp online của một số giáo viên trên địa bàn.

Tại trường THPT Yên Thành 2 (huyện Yên Thành), hiệu trưởng cùng nhiều giáo viên trải qua chuỗi ngày dài bị “khủng bố” tinh thần, vu khống, đòi khoản nợ… từ trên trời rơi xuống bởi một nam giáo viên trong trường chưa trả được khoản vay tín chấp đã đến kỳ thanh toán.

Những kẻ giấu mặt gọi điện ngày đêm không ngơi nghỉ, dùng đủ chiêu thức, thậm chí “alo” cho cả học sinh cũ của các giáo viên vu khống họ vay tiền không trả.

Nhiều giáo viên Trường THCS Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành), nơi vợ của nam giáo viên đang giảng dạy cũng cùng chung cảnh ngộ. Từng phút, từng giây bị gọi điện chửi bới, rồi tung chiêu vu khống trên mạng xã hội Facebook, những giáo viên vốn đã mệt nhoài bên trang giáo án, giờ lên giảng đường, thực sự đã trải qua chuỗi ngày dài ám ảnh, bất an.

 

Tại TP.Vinh, không chịu nổi những chiêu trò khủng bố, đặt điều “tra tấn” về mặt tinh thần từ những kẻ bất lương nhiều giáo viên đành ngậm ngùi viết đơn xin nghỉ việc.

Liên quan sự việc, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An ngày 23/5 có văn bản gửi UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công an địa phương thông tin vụ việc, đồng thời yêu cầu các đơn vị có giáo viên, nhân viên đã và đang bị khủng bố, đòi nợ, lừa đảo lập danh sách gửi về cơ quan này để tổng hợp, báo cáo cơ quan công an có biện pháp xử lý.

Theo Quang Minh - Anh Tuấn/ Gia Đình Việt Nam