"Phải trực tiếp đến đó chúng ta mới cảm thấy sự khốc liệt của động đất, khủng khiếp", Trung tá Nguyễn Chí Thành - Phó Đội Trưởng Đội 3 nhấn mạnh.
Tối 19/2, máy bay chở 5 cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tham gia Công tác cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
5 Cán bộ chiến sĩ gồm: Trung tá Nguyễn Chí Thành – Phó Đội Trưởng Đội 3; Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo – Cán bộ Đội Khu vực 1; Đại úy Nguyễn Trường Nam – Cán bộ Đội 3; Thượng úy Nguyễn Văn Trung – Cán bộ Đội 3; Thượng úy Nguyễn Nhật Phương – Cán bộ Đội 3, sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứ nạn quốc tế đã trở về nước an toàn, giữ đúng lời hứa "đi đủ, về đủ".
Bên ngoài sảnh chờ, người nhà của các cán bộ chiến sĩ không khỏi hồi hộp, ngóng trông. Trước khi đoàn tụ với người nhà tại Tân Sơn Nhất, 5 cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM đã tham dự lễ đón Đội tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ quốc tế của Bộ Công an tại Hà Nội.
Không giấu được niềm vui và hồi hộp khi chờ đón con tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Văn Cự (ba của Đại uý Nguyễn Trường Nam) chia sẻ:
"Khi làm công việc này phải xác định tư tưởng, nhiệm vụ mình phải làm là gì cho người dân. Tôi tự hào khi con tôi được Đảng và nhà nước, nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ".
Đi cùng bố đến đón chồng là đại uý Nguyễn Trường Nam, chị Nguyễn Thị Hồng Diễm xúc động nói: "Em cảm thấy rất vui khi mà chồng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao. Em cũng nôn nóng mong được gặp chồng.
Nhớ lại thời khắc chồng nhận nhiệm vụ, lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia công tác cứu nạn quốc tế, chị Diễm kể lại:
"Anh đi rất nhanh, em mua cho anh cái áo ấm nhưng chưa đưa được cho anh, nhiệt độ bên đó rất lạnh, nên em rất lo. Nhưng nói chung hôm nay ảnh về khoẻ mạnh. Thời điểm kết hôn với anh em đã biết anh là chồng em nhưng là con nhà nước, vì dân phục vụ".
"Lo lắng nhất là những ngày đầu vẫn còn dư chấn, thời tiết lạnh, chồng không ăn uống được. Mình chưa bị lần nào, mình không có chuẩn bị tâm lý trước. Động đất thì rất mạnh, trong khi chồng mình đang làm ở đó. Lúc nào mình cũng nói "Cẩn thận nha, cẩn thận nha". Mấy ngày sau thì đỡ lo hơn, may mắn là đoàn mình có mang theo mì gói, lương thực, bánh mì, ăn suốt từ hôm đi đến một tuần được ăn cơm thì anh có nói "Đó là bữa cơm ngon nhất", cùng chung cảm xúc chờ đón người thân tham gia công tác cứu hộ cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về, chị Nguyễn Thị Kim Khanh (vợ Thượng úy Nguyễn Văn Trung) bồi hồi chia sẻ.
Theo chị Khanh, mặc dù có nhiều kinh nghiệm vừa cứu nạn vừa cứu hộ nhưng đây là lần đầu tiên ông xã chị tham gia công tác cứu nạn quốc tế, điều này khiến chị vừa hồi hộp vừa lo lắng, nhưng bên cạnh đó là niềm tự hào.
"Đây là lần đầu tiên anh đi cứu hộ quốc tế, vừa tự hào vừa lo sợ. Đi sao về vậy chính là cái điều sung sướng nhất bây giờ.
Ngày nào gọi về anh cũng nói 'cố hết sức để cứu được những người còn sống, đó là ưu tiên đầu tiên'. Anh có kể trên một đống đổ nát, có một chú chó đi tới đi lui, nó không chịu đi đâu mà cứ nằm đó. Mình nghe rất thương.
Tôi tự hào chồng làm nghề này, cứu được rất nhiều người. Nhưng bên cạnh đó mình cũng rất sợ, ai cũng sợ thần thuỷ và ai cũng sợ thần hoả. Bên cạnh sự tự hào lúc nào cũng lo sợ, nhưng nghề nghiệp mà, cái nghiệp thì mình cố gắng thôi. Mình không giúp được bằng tiền nhưng mình giúp được bằng tình", chị Kim Khanh nói.
"Phải trực tiếp đến đó chúng ta mới cảm thấy sực khốc liệt của động đất, khủng khiếp", Trung tá Nguyễn Chí Thành – Phó Đội Trưởng Đội 3 nhấn mạnh khi kể với phóng viên công tác cứu nạn trong trận thảm hoạ mà mình đã tham gia cùng với đồng đội tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo báo cáo, đoàn công tác Cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp cứu được 1 người còn sống ra khỏi khu vực sập đổ; đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài giao cho cơ quan y tế; đã chuyển gần 2 tấn thiết bị y tế của Bộ Công an Việt Nam cho cơ quan điều phối quốc gia AFAD và cho Sở y tế thành phố Adiyaman; được cơ quan điều phối quốc gia về CNCH và chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá rất cao sự kịp thời viện trợ các đồ thiết yếu cho công tác chữa bệnh.
Là người trực tiếp đưa nạn nhân còn sống sót ở độ sâu 7 mét ra khỏi đống đổ nát, Trung tá Nguyễn Chí Thành kể lại giây phút cả đoàn quyết định chọn phương án duy trì sự sống cho nạn nhân nhưng người cán bộ chiến sĩ phòng cháy chữa cháy phải liều mình.
"Bản thân thôi được giao nhiệm vụ tiếp cận nạn nhân, lúc đó không thể dùng máy móc tiếp cận được vì sẽ gây nguy hiểm cho nạn nhân, còn duy nhất một cách là đào hang để chui vào cứu nạn nhân ra, cách đó nguy hiểm cho người cứu hộ nhưng chúng ta vẫn chấp nhận phương án này. Mình nguy hiểm nhưng mình vẫn thực hiện. Tôi đã tiếp cận ở độ sâu 7 mét, trong quá trình đào hang và di chuyển phải liên tục trao đổi với nạn nhân, tôi hỏi nạn nhân trả lời. Lúc cấp bách đó tôi chỉ có thể dùng tay để moi đất đá may mắn là tiếp cận được nạn nhân.
Do điều kiện hang nhỏ hẹp, thời điểm ấy có đoàn Pakistan dùng máy dò sóng âm và phát hiện, đoàn đã phối hợp với đội Pakistan đưa nạn nhân này lên mặt đất an toàn. Để tìm kiếm nạn nhân đã tử vong chúng ta chỉ có thể dùng máy. 4 nạn nhân này được tìm thấy khi nằm sát nhau, xếp một hàng chồng lên nhau rất đau lòng. Chúng ta thực hiện nhiệm vụ đào máy xúc từ sáng sớm đến chiều tối, chỉ phát hiện một phần thi thể sau đó phải dùng tay moi móc và đưa nạn nhân lên, rất đau lòng và xót xa. Bản thân mình làm nhiệm vụ nhưng không muốn đào nhiều".
Với kinh nghiệm 22 năm tham gia công tác cứu hộ cứu nạn, Trung tá Nguyễn Chí Thành cho biết nhiệm vụ cứu nạn thảm hoạ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ của đoàn công tác Việt Nam là một nhiệm vụ cao cả, nhưng không kém phần nguy hiểm và khó khăn, thế nhưng đoàn cũng đã hoàn thành tốt và được đông đảo bạn bè quốc tế tin tưởng, biết ơn.
"Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, đoàn còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác đó là viện trợ y tế, tổ chức chương trình thăm hỏi cộng đồng người Việt và người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta hỗ trợ họ dựng lều, người dân rất tri ân đội cứu hộ cứu nạn Việt Nam, chúng tôi đi đến đâu cũng được người dân và lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ cổ vũ. Chúng tôi thấy vinh hạnh và vinh dự.
Đây là thảm hoạ nên chắc chắn sẽ còn rất nhiều công tác cần phải thực hiện và thực hiện trong thời gian dài. Chúng ta đã làm hết khả năng, tận tâm tận lực, hầu như anh em đều mất 200% sức mình, cho thấy chúng ta luôn cố gắng hỗ trợ một cách tốt nhất nhưng do thảm hoạ này quá lớn nên sẽ cần một thời gian dài để các nước trên thế giới tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua".