Đầu tiên, bào thai chưa chào đời bị lấy ra khỏi tử cung của người mẹ. Sau đó, thi thể của đứa trẻ được đưa đến một nghĩa trang để tiến hành nghi lễ thích hợp tạo ra Kumanthong. Trong khi thầy phù thủy tụng kinh thì cũng là lúc những bào thai kia được sấy khô hoàn toàn.
Từ thời xa xưa, Kumanthong đã được người Thái Lan dùng như một "thần vật" trong gia đình. Người ta tin rằng có một Kumanthong trong nhà sẽ mang lại may mắn và tài lộc. Theo đó, họ sẽ mua đồ chơi và đồ ngọt về để nuôi loại búp bê này. Thậm chí có một số người sẵn sàng “mạnh tay” chi số tiền lớn để mua bàn thờ, bùa hộ mệnh hay hình xăm cầu may…
"Kumanthong" tiếng Thái nghĩa là "cậu bé vàng", trong đó "Kuman" có nghĩa là "cậu bé thanh tịnh" (và "Kumara" là "cô bé thanh tịnh"), "thong" nghĩa là "vàng". Búp bê Kumanthong, còn được gọi là "quỷ linh nhi", được tạo ra để giúp đỡ những linh hồn hài nhi bị chết oan hoặc không có nơi nương tựa được siêu thoát. Khi con người nhận nuôi nó, người nuôi phải luôn yêu thương và dạy dỗ chúng đàng hoàng trước khi chúng siêu thoát.
Theo những thông tin đồn thổi trên mạng xã hội, có 2 loại Kumanthong là: Kumanthong phép trắng (có “năng lực” thấp) và Kumanthong phép đen (có “năng lực” cao hơn).
Kumanthong phép trắng được yểm bằng những bùa chú mà thầy phù thủy viết. Những lá bùa thường được cất trong bụng hoặc dán sau lưng của những con búp bê. Loại búp bê này sẽ giúp người nuôi gặp được may mắn trong kinh doanh cũng như được bảo vệ an toàn trong cuộc sống.
Còn Kumanthong phép đen thường được yểm bằng xác thai nhi (những bào thai còn trong bụng mẹ đã bị phá đi, vứt bỏ, chỉ bé bằng bàn tay). Loại búp bê này khoái sữa, bánh kẹo (hoặc đồ ngọt nói chung). Theo đó khi nuôi chúng, người chủ sẽ gặp được may mắn cả đường công danh sự nghiệp lẫn vận trình tình cảm. Không những thế, người nuôi còn phải trò chuyện và yêu thương chúng như con ruột. Nếu trong nhà có trẻ con, người nuôi tuyệt đối không được thiên vị. Nếu không, Kumanthong phép đen sẽ nổi giận và gây hại cho bạn.
Nói về quá trình làm ra những búp bê kumanthong này, đầu tiên bào thai chưa chào đời bị lấy ra khỏi tử cung của người mẹ. Sau đó, thi thể của đứa trẻ được đưa đến một nghĩa trang để tiến hành nghi lễ thích hợp tạo ra một Kumanthong. Trong khi thầy phù thủy tụng kinh thì cũng là lúc những bào thai kia được sấy khô hoàn toàn. Tiếp đó, nó được sơn Ya Lak (một loại sơn mài dùng để phủ bùa hộ mệnh) và phủ vàng lá.
Một số hình nộm Kumanthong còn bị ngâm trong Nam Man Phrai. Đây là loại dầu được chiết xuất bằng cách đốt một ngọn nến gần cằm của đứa trẻ đã chết, hoặc một người chết vì bạo lực hay một trường hợp chết đi không tự nhiên nào đấy. Tuy nhiên, hiện nay hành vi này là bất hợp pháp.
Vào tháng 5/ 2012, an ninh sân bay tại thành phố Bangkok (Thái Lan) tịch thu được 6 bào thai đã được sấy khô trong hành lý của ông Chow Hok Kuen (28 tuổi, người gốc Đài Loan, quốc tịch Anh). Ông thừa nhận đã mua số lượng bào thai này với giá hơn 6.000 USD (138 triệu đồng) và dự định bán lại chúng ở Đài Loan làm bùa may mắn với giá gấp 6 lần giá mua.
Hay vào năm 1995, một người mới theo đạo Phật tên là Samanen Han Raksachit cũng đã bị bắt sau khi anh ta thực hiện những hành vi tàn ác đối với một đứa trẻ tại Wat Nong Rakam ở tỉnh Saraburi. Anh ta đã bán chất lỏng thu được cho những người đến thăm tu viện.
Kết quả điều tra một vài vụ án khác liên quan cho thấy những kẻ buôn bán Kumanthong đã mua xác thai nhi từ các phòng phá thai bất hợp pháp. Vào tháng 6/ 2010, 14 trẻ sơ sinh đã chết được phát hiện trong một ngôi nhà bỏ hoang ở tỉnh Ubon Ratchathani, và một cựu y tá bị buộc tội bán bất hợp pháp các xác chết với giá 30USD. Cho đến 11/ 2010, có tổng cộng 384 bào thai được tìm thấy trong những chiếc túi ni lông ẩm mốc tại tu viện ở Wat Phai Ngoen.
Hiện nay, trên mạng xã hội ở Việt Nam, việc xuất hiện các hội nhóm trao đổi và chia sẻ về kinh nghiệm nuôi Kumanthong dường như chẳng còn là vấn đề xa lạ nữa. Theo nhu cầu của người dùng, thị trường Kumanthong cũng cho ra rất nhiều mặt hàng với mẫu mã và công dụng khác nhau. Đối với “người chơi hệ >tâm linh”, đã có không ít “bố mẹ” sẵn sàng chi mạnh để tậu về những “con cưng” búp bê có giá dao động từ vài trăm đến vài trăm triệu này, và mong rằng chúng sẽ mang lại may mắn cho người nuôi.