Ở cái tuổi gần cuối đời, nhưng mẹ con bà Nguyễn Thị Hồ (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) sống trong khổ sở ngày qua ngày. Bà thì mù loà, con gái hơn 40 tuổi lại mắc chứng bệnh tâm thần. Nhìn bữa cơm của mẹ con Hồng với bao cáu bẩn mà không ai cầm được lòng.
Cứ chiều tà dần buông xuống, bà Nguyễn Thị Hồ (88 tuổi) ở thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội lại mò mẫm nấu cơm chờ con gái tên Hồng (năm nay đã ngoài 40 tuổi) bị điên dại đi nhặt rác, phế liệu trở về.
Căn nhà nhỏ lụp xụp rộng khoảng 20m2 của bà lão mù và cô con gái bị tâm thần bừa bộn, mùi ẩm mốc nồng nặc xông vào mũi. Mọi đồ đạc trong nhà không vật dụng gì đáng giá ngoài những thứ rác thải mà Hồng đi nhặt ở các bãi rác, lề đường… Ở cái tuổi gần cuối đời nhưng bà Hồ chưa một ngày được vẹn tròn hạnh phúc. Gần 4 năm nay bà sống trong cảnh mù loà.
Chồng và con trai mất để lại bà Hồ và con gái với bao nỗi lo toan, nhọc nhằn. Ngay trước cửa căn nhà, vỏ chai nhựa, lon bia, hộp giấy, túi nilon… vất vưởng la liệt khắp nơi, vết đen nhẻm trên tường in dấu bàn tay mỗi lần bà mò mẫm bấu víu vào tường đi ra ngoài.
“Toàn đồ của con gái tôi đó, hàng ngày nó cứ đi lang thang, ai cho gì thì nó cầm cái đó. Nó mang về nhiều thứ lắm, hôm vài cái chai, lon bia, hộp giấy… Cũng có hôm người ta cho thức ăn, mớ rau, cân gạo mẹ con sống qua ngày”, bà Hồ nói.
Bà Hồ cố với lên bật công tắc điện. Chúng tôi thầm nghĩ giá như bà Hồ đừng bật điện để không phải chứng kiến rõ nét cảnh bần hàn đến xót lòng của 2 mảnh đời cô quạnh. Chiếc giường được coi là nơi sạch sẽ nhất trong nhà bà Hồ nhưng chiếu cũng bị lấm lem, chăn, gối đã từ lâu không có người giặt.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hồ kể, trước đây bà từng có một gia đình hạnh phúc, với chồng và 2 con một trai, một gái. Thế nhưng chồng bà sớm qua đời vì bệnh tật, sau đó người con trai cũng bỏ bà ra đi sau một cơn sốt.
Theo bà Hồ, hồi nhỏ Hồng là một cô bé lém lỉnh, xinh đẹp và học giỏi. Năm lên 8 tuổi, sau một cơn sốt cao, co giật, Hồng được đưa đi viện và bác sĩ chẩn đoán bị viêm màng não, ảnh hưởng đến thần kinh.
Kể từ đó bà bán hàng ở chợ để kiếm tiền nuôi con điên. Số phận hẩm hiu chưa dừng lại ở đó bởi khoảng 4 năm nay, căn bệnh về mắt đã cướp đi “ánh sáng” duy nhất của cuộc đời 2 mẹ con bà. Từ ngày bị mù, bà Hồ chẳng thể chăm sóc cho con gái được như trước. Hàng ngày, bà chỉ có thể nấu cho con bữa cơm hôm sống, hôm chín.
“Có lúc tưởng mình đã mất nốt đứa con điên dại vì Hồng đi lang thang chẳng biết đường về. May mắn sau 1 năm tìm kiếm, tôi đã đón được con gái về nhà khi Hồng đang lang thang tận đất Lạng Sơn. Giờ tôi mù lòa và con điên dại nên trong phòng không được gọn gàng. Mọi đồ vật đều phải bỏ trong thùng hoặc chậu nhôm không là chuột ăn hết.
Thùng gạo tôi phải đựng bằng thùng nhôm và đè chặt bằng cái thớt. Thức ăn thì tôi nấu rồi để trong bát ở trong cái chậu”, bà Hồ bảo.
Nghe tiếng lạch cạch ở cổng, bà Hồ nói: “Đấy, cái Hồng về đấy. Nó thường đi từ sáng nhưng tối thì không biết lúc nào về. Hôm về sớm, hôm về muộn. Hôm nào tôi cũng nấu cơm và thức ăn trước, khi nào Hồng về, tôi lấy cơm cho nó ăn”.
Bà Hồ liền men theo tường ra đón con gái bảo “Hồng về rồi đấy hả con”. Thế nhưng Hồng cảm nhận có người lạ nên nhất định không chịu vào nhà. Bà Hồ phải dặn khách tránh đi nơi khác. Một lúc sau, khi chúng tôi quay lại thấy bà Hồ đang lấy cơm cho Hồng ăn.
Đôi bàn tay cáu bẩn, gương mặt nhem nhuốc sau 1 ngày lang thang khắp nơi của cô gái bị ảnh hưởng thần kinh dường như không cảm nhận được cuộc đời đầy nghiệt ngã mà 2 mẹ con đang gồng mình gánh chịu.
Hồng ngồi ăn ngay cạnh những thứ rác thải mà mình vừa đi thu lượm về. Bữa tối của Hồng được đựng tất cả trong một chiếc bát nhựa, ngoài cơm trắng còn có vài ba miếng thịt không biết được nấu từ bao giờ, kèm với đó là bát canh xương đã mốc xanh.
Hồng dừng ăn cơm, miệng muốn nói điều gì nhưng không thành tiếng, chỉ ú ớ và hừ hừ. Bà Hồ liền cười nói: “Hồng nó không thích các anh ở đây, nó ngại tiếp xúc người lạ”.
Chia tay cụ bà chia sẻ thêm: “Tôi già rồi, cũng sắp chết rồi. Nhưng chỉ mong sau này tôi có nằm xuống con sẽ đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội để con không phải lang thang và sống một mình. Có như thế tôi mới an lòng”.