Ăn “cơm bụi” là thói quen của hầu hết sinh viên. Tuy nhiên giữa lúc “bão giá” như hiện tại, để tiết kiệm chi tiêu nhiều bạn trẻ đã lựa chọn việc tự đi chợ, vào bếp.

Minh Thư 10:37 10/03/2023

Giá cả leo thang đã khiến cho cuộc sống của nhiều sinh viên tỉnh lẻ tại Hà Nội rơi vào cảnh phải thắt chặt chi tiêu.

Vì thế, thay vì những bữa cơm sinh viên được dọn sẵn ở các quán ăn bình dân, nhiều bạn trẻ đã chuyển hướng sang cơm tự nấu vừa “sang xịn” lại hợp vệ sinh, tiết kiệm hầu bao.

Vũ Thu Uyên quê Thái Bình, sinh viên năm 4 Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong số những người đã “tiên phong” trong việc “chuyển bếp về nhà” để tiện cho việc học hành, sinh hoạt giữa thời khó khăn.

Để làm được điều đó, từ lâu Thu Uyên đã hình thành thói quen sau giờ tan lớp lại ghé siêu thị dưới nhà để tự tay lựa >chọn thực phẩm cho bữa cơm trưa.

Mặc dù xác định tự nấu ăn để tiết kiệm chi tiêu nhưng bữa ăn hàng ngày Uyên luôn dành ưu tiên cho các nhóm tinh bột, chất đạm và chất xơ với chi phí đi chợ từ 50.000 - 100.000 đồng.

Thu Uyên cùng bạn lựa chọn thực phẩm cho bữa cơm trưa - Ảnh: Lê Hiền

Thu Uyên kể, em may mắn khi có bạn cùng phòng nấu ăn rất ngon lại khéo tay nên bản thân học được nhiều món ăn hấp dẫn. Chung đam mê nấu ăn, mày mò với các món ăn nên cả 3 cùng phòng coi việc nấu ăn hàng ngày như niềm vui sau giờ học. Cứ như thế cả 3 cùng chia sẻ cách làm những món ăn, thỉnh thoảng lại thử những món mới cho những dịp đặc biệt.

Thu Uyên coi nấu ăn là thời gian thư giãn sau giờ học nên nguyên liệu nấu ăn luôn được chuẩn bị kỹ càng, trình bày đẹp mắt

Để chuận bị bữa ăn, Thu Uyên sẽ là người đứng bếp. Hai bạn còn lại là Trang và bạn Nguyễn Khánh Linh (20 tuổi, quê Nghệ An, sinh viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) người sơ chế lột vỏ hành, tỏi, người được giao rửa rau, rửa bát. Nhờ mỗi người làm một việc nên việc chuẩn bị bữa ăn với Thu Uyên không tốn quá nhiều thời gian.

Khi bận ôn thi thì những món ăn nhanh luôn được ưu tiên với thời gian nấu nướng chỉ gói gọn trong 15 - 20 phút.

Còn khi rảnh, không bận lên lớp Thu Uyên sẽ nấu các món cầu kỳ có khi mất thời gian từ 1 - 2 giờ đồng hồ. Nhất là vào những dịp đặc biệt thì mâm cơm phòng trọ của Thu Uyên cũng đầy ắp các món ngon như một bữa ăn gia đình đông người.

Mỗi tháng Thu Uyên sẽ thay đổi khẩu phần ăn "sang chảnh" từ 1 - 2 lần. Những ngày còn lại, chủ yếu là những bữa cơm bình dân, không đắt tiền - Ảnh: Lê Hiền

Bạn Nguyễn Khánh Linh chia sẻ: “Trước đây, ăn cơm ngoài tiệm là sự lựa chọn hàng đầu của mình vì nhanh chóng, tiện lợi, lại ngon mắt ngon miệng. Tuy nhiên gần đây, mình nhận thấy cần quan tâm hơn tới việc quản lý chi tiêu, an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo đủ chất >dinh dưỡng nên cả 3 đã đi đến thống nhất phân công công việc để tự tay chuẩn bị cơm nhà”.

Không chỉ có bữa ăn ngon, bữa cơm của 3 nữ sinh còn tràn ngập tiếng cười với những câu chuyện được kể cho nhau nghe khiến tình bạn càng trở nên thân thiết.

“Cả ngày quay cuồng với việc học và làm, bữa cơm trưa luôn là giây phút trò chuyện vui vẻ nhất giữa mình và các bạn”, Thu Uyên cho hay.

Bữa cơm của Thu Uyên và các bạn luôn tràn ngập niềm vui và tiếng cười - Ảnh: Lê Hiền

Thu Uyên cũng chia sẻ thêm, để việc nấu ăn được duy trì hàng ngày các bạn đã áp dụng quy tắc chi tiêu thông minh bằng cách chia số tiền mình có thành các quỹ nhỏ với sáu chiếc lọ, phân bổ chi tiêu cho từng khoản cụ thể.

Theo đó, 60% số tiền được dùng cho nhu cầu thiết yếu như ăn uống, đi lại, học tập. 20% được dùng đầu tư nâng cao giá trị bản thân như học các kỹ năng mới. 10% tiếp theo là khoản tiết kiệm cho quỹ dài hạn như thuốc men, đau ốm… và 10% còn lại là các chi tiêu cho >giải trí cá nhân.

Nữ sinh năm 4 đại học cũng cho hay, có những lúc bận rộn, áp lực học tập thi cử khiến các bạn mệt mỏi khi nghĩ đến việc tự mình nấu một bữa ăn chỉn chu. Nhưng Thu Uyên cho hay, với em việc chuẩn bị các món ăn đủ sắc, đủ vị lại tiết kiệm chi tiêu vẫn là niềm vui mỗi ngày.

 

Vì thế nữ sinh Học viện Báo chí Tuyên truyền muốn coi việc nấu ăn hàng ngày trong giai đoạn còn lại của thời sinh sẽ là kỷ niệm đẹp với em và các bạn để sau này mỗi lần nhắc lại sẽ thấy yêu thương hơn một thời sinh viên giữa thủ đô.

Theo Lê Hiền/ Tổ Quốc