Không điều trị nội trú nhưng trong trường hợp Bộ Y tế bổ sung mới đây thì dù trái tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh thì người dân vẫn được hưởng 100% bảo hiểm y tế.

Thanh Hà 14:13 05/01/2021

Theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT (sửa đổi năm 2014), từ ngày 1/1/2021 sẽ thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh BHYT.

Theo đó, người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến, thay vì chỉ được thanh toán 60% như hiện hành). 

Với quy định này, chỉ người bệnh điều trị nội trú mới được hưởng chính sách thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, còn người bệnh khám chữa bệnh trái tuyến ở tuyến tỉnh vẫn phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh.

Thêm 1 trường hợp bệnh nhân đi khám bệnh trái tuyến vẫn được hưởng đúng tuyến.

Ngày 31/12/2020, Bộ Y tế ban hành Công văn 7404/BYT-BH bổ sung hướng dẫn thống kê chi phí khám chữa bệnh >bảo hiểm y tế (BHYT) theo điểm b khoản 3 và khoản 6 Điều 22 Luật BHYT.

Tại Công văn này, Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn với trường hợp người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước, nếu được chỉ định vào viện điều trị nội trú kể từ ngày 01/01/2021:

- Được hưởng BHYT là 100% chi phí điều trị nội trú.

- Lý do vào viện: Ghi là TRÁI TUYẾN.

Trước đó, tại Công văn 7312/BYT-BH, Bộ Y tế cũng hướng dẫn về việc hưởng BHYT trái tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh khi người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ không được hưởng chế độ cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh.

Đồng thời, phần cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh của người tham gia BHYT trong trường hợp này không được tính để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

Theo V.Linh/Gia đình mới